Phân tích của Reuters cho thấy, nếu mốc 2,5 triệu ca tử vong đầu tiên đã được ghi nhận trong hơn một năm kể từ khi bùng phát dịch, thì mốc 2,5 triệu ca tiếp theo được ghi nhận chỉ trong 236 ngày. Hơn một nửa số ca tử vong toàn cầu được ghi nhận ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Mexico. Trong tuần qua, trung bình 8.000 ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày trên toàn cầu, tức là 5 ca/phút.
Số liệu của Reuter cao hơn một chút so với số liệu trên trang thống kê worldometers.info. Tính đến 11h00 ngày 2/10 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong trên thế giới theo trang thống kê worldometers.info là 4.805.876 ca.
Reuters dẫn số liệu từ trang thống kê Our World in Data cho thấy hơn một nửa thế giới hiện đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ ở các cấp quốc tế cũng như từng quốc gia.
Trên phạm vi quốc tế, hoạt động hợp tác, chia sẻ vaccine, đặc biệt thông qua cơ chế toàn cầu COVAX, đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19, diễn ra ngày 22/9 tại New York (Mỹ) nhân tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Mỹ thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ cho quốc tế lên 1,1 tỷ liều.
Nhật Bản cũng cam kết sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19, qua đó nâng tổng số vaccine viện trợ cho các nước lên 60 triệu liều. Italy tuyên bố cung cấp 45 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trước cuối năm nay, gấp 3 lần cam kết ban đầu.
Tại kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 76, các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu tham vọng, theo đó đến thời điểm tổ chức khóa họp ĐHĐ LHQ năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vaccine. Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này nếu có ý chí chính trị và tinh thần hợp tác để có thể cùng nhau thích ứng an toàn với COVID-19.