Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu tại Đại học James Cook đã tiến hành phân tích hơn 1 triệu hình ảnh vệ tinh được chụp trong hơn 20 năm qua để lập biểu đồ về sự suy giảm diện tích bãi triều.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Nicholas Murray, cho biết nhóm của ông đã phân tích một kho lưu trữ hình ảnh vệ tinh dung lượng lớn để tìm hiểu sự thay đổi của các vùng đất ngập nước ven biển trên thế giới trong giai đoạn 1999-2019. Kết quả cho thấy diện tích bãi triều bị suy giảm trên toàn cầu là 1,37 triệu ha. Con số này thực tế có thể cao hơn nếu không có 970.000 ha diện tích bãi triều được cải tạo, phục hồi thông qua các công trình bảo tồn.
Theo Tiến sĩ Murray, 27% diện tích đất ngập nước bị mất đi và được phục hồi là nhờ các hoạt động bảo tồn của con người. Tất cả những thay đổi khác là do các yếu tố như quá trình phát triển mở rộng dọc các khu vực ven biển và tình trạng biến đổi khí hậu. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện rằng phần lớn - khoảng 75% diện tích bãi triều được phục hồi, là ở châu Á, nơi hoạt động bảo tồn ở các vùng đất ven biển được triển khai mạnh mẽ hơn.
Cũng theo Tiến sĩ Murray, hiện trên thế giới có hơn 1 tỷ người sinh sống ở các khu vực bờ biển thấp, do đó việc đảm bảo sức khỏe của hệ sinh thái này là rất quan trọng đối với cộng đồng địa phương và toàn thể nhân loại. Ông nhấn mạnh các vùng đất ngập nước thủy triều có tầm quan trọng to lớn đối với nhân loại, mang lại những lợi ích như lưu trữ và hấp thụ carbon, bảo vệ bờ biển và phát triển nghề cá. Chuyên gia này khuyến nghị tiếp tục theo dõi sự thay đổi của các vùng đất ngập nước, kết hợp với các chương trình bảo tồn để giúp bảo vệ hệ sinh thái độc đáo này.