Theo UNOCHA, trong số những người trên, có 46.000 trẻ em và 14.000 người cao tuổi. Chính phủ Indonesia cũng đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai tại các khu vực xa xôi hẻo lánh trong bối cảnh thuốc men thiếu hụt và lực lượng cứu hộ gặp khó khăn do không có đủ thiết bị hạng nặng để giải cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Trước mắt, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định tiếp nhận cứu trợ của các cơ quan cứu trợ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người dân. Tính đến tối1/10, số người thiệt mạng do vụ động đất, sóng thần này đã lên tới gần 1.300 người. Tuy nhiên, đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.
Trong khi đó, tình trạng hỗn loạn đã bắt đầu xuất hiện tại thành phố Palu, một trong những thành phố tại tỉnh Trung Sulawesi bị chịu thiệt hại nặng nề do trận động đất, sóng thần. Cảnh sát đã được điều động bảo vệ các ngân hàng tại thành phố. Những người sống sót sau thảm họa đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thực phẩm, nước sạch và nhiên liệu. Dòng xe ôtô xếp hàng dài hàng km tại các trạm xăng. Nhiều nhân chứng cho biết đã xảy ra tình trạng cướp bóc tại một trạm xăng, các siêu thị và cửa hàng tiện ích.
Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cho biết người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất, sóng thần được phép lấy đồ dùng, thực phẩm tại các cửa hàng và chính phủ sẽ chi trả khoản đền bù cho những thiệt hại này. Bên cạnh đó, giới chức Indonesia cho hay hàng viện trợ, trong đó hàng tấn gạo đang trên đường tới những vùng bị ảnh hưởng. Nhằm đối phó với tình trạng thiếu nước sạch, các công nhân đã được điều đến Palu để triển khai đào thêm nhiều giếng nước mới.
Chiều 28/9, tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh 6,1 độ Richter và 7,5 độ Richter, làm rung chuyển cả khu vực. Các trận động đất này đã gây ra sóng thần lớn, với cột sóng cao tới 6 mét, gây nhiều thương vong, phá hủy nhiều nhà cửa, công trình xây dựng trong khu vực. Ước tính, số người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán lên đến 56.000 người. Hiện giới chức Indonesia đang nỗ lực cung cấp lương thực, thực phẩm, viện trợ và các trang thiết bị cần thiết đến đảo Sulawesi.
Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian và nỗ lực khắc phục tình cảnh thiếu thốn trang thiết bị để tiếp tục công tác tìm kiếm các nạn nhân đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Chính phủ Indonesia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ nước này trong công tác khắc phục hậu quả sau thảm họa. Tổng thống Widodo đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 14 ngày.
Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa. Trước đó, hồi năm 2004, một trận động đất mạnh cũng gây sóng thần khiến 220.000 người trong khu vực thiệt mạng, trong đó tại Indonesia có 1.000 người.