Ngày 10/1, một trang mạng chuyên cung cấp thông tin về tình hình công ăn việc làm của sinh viên công bố báo cáo cập nhật cho biết, một phần do hậu quả của cuộc đại khủng hoảng 2007-2009, số người có bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ ở Mỹ phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội có chiều hướng gia tăng khá mạnh.
Số liệu từ trang mạng "Chronicle of Higher Education" cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2010, số người Mỹ có bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ phải nộp đơn xin hưởng chế độ tem phiếu lương thực, trợ cấp thất nghiệp và các hỗ trợ khác của quỹ phúc lợi xã hội đã tăng gấp hơn 3 lần.
Theo số liệu đến tháng 3/2011, trong số hơn 22 triệu người Mỹ có bằng Thạc sỹ và cao hơn, có khoảng 360.000 người phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội dưới hình thức này hoặc hình thức khác.
Cụ thể, số người có bằng Thạc sỹ phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội ở thời điểm năm 2010 là hơn 293.000 người, tăng mạnh so với con số 102.000 người ở thời điểm năm 2007. Số người có bằng Tiến sỹ phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội tăng từ 9.800 người năm 2007 lên 34.000 người năm 2010.
Theo thống kê, trong năm 2011 cả nước Mỹ có khoảng 52,5 triệu người, tương đương với tỷ lệ 1 trong 6, nhận trợ cấp tem phiếu lương thực.
Một lý do làm tăng tỷ lệ người có bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ phải sống dựa vào trợ cấp xã hội là do tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong vài năm qua luôn ở mức từ 8% đến 9%, đến cuối năm 2012 mới giảm xuống mức 7,8%.
Không chỉ các Thạc sỹ và Tiến sỹ phải sống nhờ trợ cấp mà ngay cả các triệu phú ở Mỹ cũng có nhiều người rơi vào cảnh ngộ này. Theo con số của Cơ quan dịch vụ thuế nội địa, trong năm 2009, cả nước Mỹ có 2.362 triệu phú nhận trợ cấp thất nghiệp tổng cộng hơn 20 triệu USD.
TTXVN/ Tin tức