Đợt tiêm chủng dự kiến kéo dài trong vòng 7 ngày (từ ngày 22/4) dành cho những công dân Campuchia đã tiêm xong mũi vaccine đầu tiên của hãng Sinopharm (Trung Quốc).
Do lệnh phong tỏa hai tuần (từ ngày 15/4) tại Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô, nhiều người dân Campuchia đã gặp khó khăn trong việc di chuyển tới một số điểm tiêm chủng. Trước tình hình này, chính quyền quận Mean Chey và Bộ Quốc phòng Campuchia đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh hỗ trợ tổ chức tiêm chủng mũi thứ hai cho những người dân Campuchia sinh sống trong khu vực gần bệnh viện.
Tổng Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, Tiến sỹ - Bác sỹ Tôn Thanh Trà cho biết ngay sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ, các y bác sĩ của Bệnh viện đã nhanh chóng tổ chức đầy đủ các công tác hậu cần, kỹ thuật và những biện pháp vệ sinh phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế Campuchia cho đợt tiêm chủng này. Trong ngày 22/4, Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh đã tiêm chủng cho khoảng 700 người dân Campuchia.
Kể từ khi “Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” làm bùng phát dịch trên diện rộng tại Campuchia, Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh đã chung tay, đồng hành cùng Bộ Y tế nước bạn trong việc hỗ trợ một số phương tiện vận chuyển, nhân lực cho các đơn vị chức năng phòng chống dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Campuchia.
Bệnh viện Chợ Rẫy - PhnomPenh là liên doanh giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Y tế Sài Gòn và Công ty Sokimex (Campuchia), được chính thức cấp Giấy phép Đầu tư vào tháng 2/2006 và là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực y tế của Thành phố Hồ Chí Minh tại thời điểm đó.
Liên quan tới việc hợp tác, hỗ trợ nước bạn Campuchia trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay, trong sáng 22/4, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Campuchia Mam Buncheng để cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng - chống dịch. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Một trong những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác điều trị là tất cả các cơ sở tham gia điều trị đều được kết nối với nhau để có thể trao đổi, thảo luận và hội chẩn các ca bệnh khó. Hội chẩn từ xa là bài học đã rất hiệu quả, thành công đối với Việt Nam trong đợt dịch lần 1 và lần 2. Trong đợt dịch thứ 3 này, mặc dù có nhiều ca bệnh nặng, nhưng chúng tôi đã điều trị thành công, không có trường hợp nào tử vong”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cơ sở điều trị của Campuchia sẽ được kết nối với Việt Nam và Việt Nam sẽ cử bác sỹ, chuyên gia trao đổi cùng phía bạn để việc điều trị đạt hiệu quả nhất. Việt Nam cũng sẵn sàng cử các chuyên gia, bác sỹ sang hỗ trợ Campuchia nếu có yêu cầu từ nước bạn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch là hết sức cấp bách và cần thiết với Campuchia hiện nay. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã huy động động nguồn lực của Nhà nước và nhân dân hỗ trợ Campuchia 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 và các trang thiết bị y tế khác.