Theo trang The Guardian (Anh), một hội chứng đang khiến các bác sĩ nhi khoa lo lắng đó là có đến 75% trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (PIMS) là người da màu, người châu Á hoặc dân tộc thiểu số (BAME). Điều này có nghĩa là có đến gần 4 trong số 5 trẻ em trước khi mắc hội chứng này đều khỏe mạnh.
Khi các trường hợp mắc PIMS xuất hiện trong làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19, các bác sĩ và nhiều bậc phụ huynh đã vô cùng hoang mang, lo lắng. Ban đầu nó được gọi là bệnh Kawasaki, một tình trạng hiếm gặp chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sau đó, PIMS đã được công nhận là một hội chứng riêng biệt, xuất hiện sau virus SARS-CoV-2. Cứ 5.000 trẻ em thì có 1 trẻ mắc phải hội chứng này vào khoảng 1 tháng sau khi mắc COVID-19, bất kể có triệu chứng hay không.
Các triệu chứng của PIMS bao gồm phát ban, sốt khoảng 40 độ C, huyết áp thấp nguy nhiểm và các vấn đề ở bụng. Trong một trong những trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng giống như sốc nhiễm độc hoặc nhiễm trùng huyết. Hai trẻ em đã tử vong vì PIMS kể từ khi đại dịch bùng phát.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết căn bệnh này đã tăng cao hơn so với làn song dịch bệnh đầu tiên. Các bệnh viện đã tiếp nhận đến 100 trẻ mỗi tuần trong đợt thứ 2, nhiều hơn so với khoảng 30 ca một tuần vào tháng 4 năm ngoái.
Kể từ đầu tháng 1, có từ 12 đến 15 trẻ em mắc hội chứng PIMS mỗi ngày. Các ca bệnh đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng phần lớn tập trung ở London và đông nam nước Anh, những khu vực mà biến thể mới có tên gọi Kent của virus Corona đã khiến các ca nhiễm tăng mạnh.
Bằng chứng được thu thập bởi Tiến sĩ Hermione Lyall - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, Giám đốc Dịch vụ Trẻ em tại Tổ chức Y tế Imperial College Healthcare, thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia ở London - đã cho thấy tác động hoàn toàn không tương xứng mà căn bệnh này gây ra đối với trẻ em thuộc nhóm BAME.
Trong báo cáo quốc gia đầu tiên về 78 bệnh nhân mắc hội chứng PIMS được chăm sóc đặc biệt, 47% là người Caribbean gốc Phi, 28% gốc Á, cao hơn từ 5 đến 6 lần so với 14% dân số Anh thuộc nhóm BAME.
“Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu lý do nhóm dân số này bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì hội chứng PIMS. Di truyền có thể là một nguyên nhân. Nhưng chúng tôi lo ngại rằng nguyên nhân có thể do hoàn cảnh nghèo khó. Điều này khiến nhiều người không thể tránh được lây nhiễm do nghề nghiệp của họ, các hộ gia đình nhiều thế hệ và nhà ở đông đúc”, Tiến sĩ Liz Whittaker, người phát ngôn của PIMS tại Trường Cao đẳng Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia, nói.
Dữ liệu từ 21 trong số 23 đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em (PICU), cũng tiết lộ rằng 78% bệnh nhân không có bệnh lý nền và hầu như đều có sức khỏe tốt trước khi mắc PIMS. Các bác sĩ nhi khoa cho biết điều này “rất đáng lo ngại”.
Độ tuổi trung bình của trẻ em mắc hội chứng PIMS là 11 tuổi. Trong đó, 2/3 (chiếm 67%) trẻ em mắc hội chứng PIMS là nam giới. Hầu hết bệnh nhân đều mắc PIMS sau khi mắc COVID-19, 22% trẻ em mắc hội chứng này trước khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Gần 1/4 số bệnh nhân được điều trị trong PICU phát triển một tình trạng tim được gọi là giãn động mạch vành, có khả năng gây tử vong.
Trong khi đó, Tiến sĩ Whittaker cho biết các bậc cha mẹ không nên lo lắng trước sự gia tăng số ca nhập viện vì tỷ lệ mắc PIMS gần đây tương xứng với tác động lớn của đại dịch đối với người trưởng thành trong những tuần gần đây.
“PIMS có thể rất nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi đã thấy ít trường hợp nghiêm trọng hơn trong đợt dịch thứ hai vì có sự chẩn đoán và điều trị sớm hơn. Hội chứng này vẫn còn hiếm và chúng tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ không nên lo lắng”, bà Whittaker nói.