Chuỗi nhà thuốc Rate Aid đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 trong bộ luật tại New Jersey hôm 15/10 và cho biết họ sẽ bắt đầu tái cơ cấu để giảm nợ.
Chuỗi nhà thuốc đang phải vật lộn với tình trạng doanh số bán hàng trì trệ, nợ nần chồng chất và hàng loạt vụ kiện cáo buộc công ty đã góp phần gây ra dịch bệnh opioid trên toàn quốc bằng cách cung cấp quá nhiều thuốc giảm đau.
Opioids là một nhóm thuốc bao gồm ma túy bất hợp pháp heroin, opioid tổng hợp như fentanyl và thuốc giảm đau hợp pháp theo đơn, chẳng hạn như oxycodone, hydrocodone, codeine, morphine và nhiều loại khác.
Tương tự, hãng thuốc CVS và Walgreens đã có kế hoạch đóng cửa hơn 1.500 nhà thuốc trong suốt hai năm qua. Các chuyên gia y tế công cộng đã nhìn thấy hậu quả của điều này. Họ lưu ý rằng những khu dân cư đầu tiên mất hiệu thuốc thường là người da đen, người Latin và người có thu nhập thấp.
Dima Qato, Phó Giáo sư tại Đại học Nam California, người nghiên cứu về khả năng tiếp cận dược phẩm và công bằng y tế, cho biết: "Theo ước tính của chúng tôi, khoảng một trong bốn khu vực lân cận đang 'sa mạc hiệu thuốc'. Những lần đóng cửa này ảnh hưởng không tương xứng đến các cộng đồng đang cần hiệu thuốc nhất."
Các hiệu thuốc có thể là cứu cánh ở các khu vực nông thôn hoặc nơi có thu nhập thấp, đặc biệt là ở các vùng sa mạc lương thực - những khu vực có khả năng tiếp cận hạn chế với thực phẩm lành mạnh và giá cả phải chăng. Lorece Edwards, Giáo sư y tế công cộng tại Đại học bang Morgan, người tập trung vào sự chênh lệch về sức khỏe, cho biết dược sĩ thường là chuyên gia chăm sóc sức khỏe, dễ tiếp cận nhất đối với những cộng đồng này.
Nhưng các nhà phân tích bán lẻ cho biết, đối với các chuỗi nhà thuốc quốc gia, việc cắt giảm đã diễn ra từ lâu, khi cạnh tranh gia tăng, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tội phạm bán lẻ, thiếu nhân sự và thiếu sự đầu tư. Các nhà thuốc cũng đang cảm thấy xuống dốc từ việc bán vaccine ngừa virus Corona, bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà và các sản phẩm khác trong thời kỳ đại dịch.
Neil Saunders, giám đốc điều hành của công ty phân tích GlobalData Retail cho biết: "Tính kinh tế của các nhà thuốc không mang lại lợi nhuận như trước đây. Điều này khiến các nhà bán lẻ đang tìm cách để giảm tải".
Một cuộc khủng hoảng của các nhà thuốc
Trước đây, hiệu thuốc ở góc phố là hình mẫu của sự tiện lợi, nơi không chỉ bán thuốc theo đơn mà còn bán một số đồ khác như đồ ăn nhẹ, thiệp sinh nhật và đồ đa dụng. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, CVS và Walgreens bắt đầu đặt trụ sở trên khắp đất nước, vượt xa các công ty độc lập. Ngày nay, hai chuỗi nhà thuốc lớn nhất quốc gia có lần lượt hơn 9.000 và 8.700 địa điểm và tổng doanh thu là 455,2 tỷ USD vào năm 2022.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hiện nay, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, nhiều cửa hàng bán đồ rẻ hơn và tiện lợi hơn. Họ cũng chi tiêu thận trọng hơn khi lạm phát đang tăng lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào năm 2022 và hiện vẫn đang ở mức cao.
Các hiệu thuốc như Rite Aid đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi người mua hàng ngày càng chuyển sang các nhà bán lẻ như Amazon, Target, Walmart bởi vì mức giá rẻ hơn và giao hàng thuận tiện đến tận nhà khách hàng.
Rite Aid cũng đã phải vật lộn để theo kịp các đối thủ lớn hơn của mình như CVS và Walgreens, vì các công ty này đã tập trung vào chăm sóc sức khỏe và phù hợp để thực hiện các khoản đầu tư lớn để phù hợp.
CVS đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách mua lại Caremark, một trong những nhà quản lý lợi ích dược phẩm lớn nhất, công ty bảo hiểm sức khỏe Aetna và gần đây nhất là công ty chăm sóc sức khỏe Oak Street Health.
Do nhiều khủng hoảng đè nén, các nhân viên hiệu thuốc tại CVS và Walgreens đã tổ chức đình công, cáo buộc rằng điều kiện làm việc tồi tệ đang khiến họ và bệnh nhân gặp nguy hiểm. Các dược sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên hỗ trợ cho rằng tình trạng thiếu nhân lực đã khiến cho việc quản lý vaccine hoặc giải quyết hàng trăm đơn thuốc tồn động ngày càng tồi tệ, và làm cản trở công việc của họ.
Saunders cho biết, các chuỗi nhà thuốc đang “tự bắn vào chân mình” khi không đầu tư vào nhân viên hiệu thuốc, bởi vì hiệu thuốc là điểm khiến những chuỗi này khác biệt với các đối thủ cạnh tranh bán lẻ khác. Ông nói, nếu dịch vụ kém hoặc đơn thuốc bị chậm trễ, điều đó sẽ khiến khách hàng càng thất vọng hơn.
Các gã khổng lồ ngành dược phẩm đã tìm cách củng cố vị thế của mình thông qua hợp nhất và bằng cách đồng bộ hóa với các công ty bảo hiểm để bệnh nhân quay trở lại. Bệnh nhân Aetna có thể đến bất kỳ hiệu thuốc nào, nhưng họ sẽ nhận được ưu đãi tốt hơn tại CVS, công ty đã mua lại công ty bảo hiểm vào năm 2018. Khách hàng của Blue Cross Blue Shield có thiết lập tương tự với Walgreens. Trái lại, hãng thuốc Rite Aid lại không có bất kỳ mối quan hệ nào với hãng bảo hiểm.
Tính đến ngày 15/10, theo các quan chức trong ngành, các hiệu thuốc tư nhân, không có bảo trợ của công ty chiếm 19.432 địa điểm trên toàn quốc cũng đang gặp phải nhiều khủng hoảng tương tự, thậm chí tồi tệ hơn chuỗi nhà thuốc có thương hiệu.
Mariana Socal, phó nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg của Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Bối cảnh tích hợp theo chiều dọc của các doanh nghiệp trên các dịch vụ khác nhau đã khiến các hiệu thuốc không tham gia gặp bất lợi lớn."
Hình phạt cho sức khỏe đô thị
Đối với Patrice La Vigne, một nhà báo tự do ở vùng nông thôn Healy, Alaska, việc có thuốc theo đơn đồng nghĩa với việc phải mất hai giờ lái xe. Cô cho biết thị trấn gần nơi ở không có phòng khám, bệnh viên hay hiệu thuốc nào. Điều đó có nghĩa là chồng cô, người mắc bệnh mãn tính phải đi về phía Bắc đến Fairbanks để trực tiếp điều trị.
Con đường điều trị và lấy thuốc đó dường như quen thuộc với hầu hết 1.000 cư dân ở vùng nông thôn Healy. "Đối với chúng tôi, đó là sự đánh đổi khi sống ở một vùng xa xôi của Alaska. Tôi nghĩ phần lớn cộng đồng ở đây đều muốn có một hiệu thuốc", cô Patrice La Vigne nói.
Một khu vực nông thôn có thể được coi là sa mạc hiệu thuốc nếu cư dân nơi đó cách hiệu thuốc gần nhất hơn 8km. Ở các trung tâm đô thị, nơi người dân có phương tiện giao thông công cộng, bán kính này hạ tiêu chuẩn xuống còn gần 1km.
Theo Jenny Guadamuz, trợ lý giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học California ở Berkeley, mặc dù số lượng hiệu thuốc ở Mỹ đã dao động gần 64.000 kể từ năm 2014, nhưng vẫn có sự điều chỉnh. Bà cho biết , các hiệu thuốc đang rời bỏ các khu dân cư có thu nhập thấp và đa số là người da đen và Latin. Các nhà thuốc mở rộng sang các khu vực chủ yếu có người da trắng và có thu nhập trung bình cao hơn.
Các chuyên gia y tế công cộng cũng lo ngại việc tái phân phối này cũng có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về kinh tế và phân biệt chủng tộc lâu đời trong kết quả chăm sóc sức khỏe. Đó là điều mà Edwards gọi là “hình phạt về sức khỏe đô thị”.
Bà Lorece Edwards cho bieeys điều này đã từng diễn ra trong lịch sử và làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về sức khỏe. Nó cũng làm gián đoạn việc chăm sóc, khả năng tiếp cận tư vấn y tế, vaccine, tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng chủ lực khác.
Ví dụ, các nhóm chủng tộc thiểu số ở Mỹ đã có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao, cao hơn. Bà Edwards cho biết trẻ em ở các khu vực thu nhập thấp có tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn và các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn .
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp cận nhà thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ mọi người tuân thủ chặt chẽ chế độ dùng thuốc do bác sĩ đặt ra. Đặc biệt, người cao tuổi có vấn đề sức khỏe phức tạp dễ trở nên phụ thuộc vào dược sĩ mà họ có mối quan hệ trực tiếp.
Guadamuz cho biết: “Bệnh nhân có mối quan hệ lâu dài với các hiệu thuốc của họ. “Khi một hiệu thuốc đóng cửa, họ phải tìm một hiệu thuốc mới đáp ứng mọi nhu cầu, có bảo hiểm và giá cả phải chăng. Nhưng ở những khu dân cư có người da màu và khu vực nông thôn… họ ít có khả năng làm điều đó hơn."
Ngoài cung cấp các thiết bị y tế cần thiết, thuốc không kê đơn và thực phẩm, hiệu thuốc còn cung cấp máy đo huyết áp tự động. "Tất cả những điều này đã giúp những cộng đồng vốn đã khốn khổ", bà Edwards cho biết.
Sắp có thêm nhiều lần đóng cửa
Các nhà bán lẻ cũng phải vật lộn với làn sóng kiện tụng liên quan đến đại dịch opioid, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người ở Mỹ kể từ năm 2000.
Walgreens và CVS đã đạt được thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với nhiều bang và Kroger đồng ý trả 1,2 tỷ USD. Rite Aid đã đạt được thỏa thuận giải quyết opioid trị giá 30 triệu USD vào năm 2022 với văn phòng tổng chưởng lý Tây Virginia nhưng phải đối mặt với nhiều vụ kiện tổng hợp tại Tòa án Quận Mỹ cho Quận Bắc Ohio và với Bộ Tư pháp .
Rite Aid cho biết đã lỗ 1 tỷ USD trong những tháng trước, khi nộp đơn xin phá sản vào ngày 15/10. Hiện chuỗi nhà thuốc này đang đóng cửa 154 địa điểm trong số 2.100 cửa hàng còn lại của mình.
Trong một tuyên bố với The Post, Rite Aid cam kết cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế quan trọng trên các thị trường của mình. “Thí điểm cửa hàng quy mô nhỏ của chúng tôi được thiết kế đặc biệt để cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ hiệu thuốc ở khu vực 'sa mạc hiệu thuốc' và các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ.”
Là một phần của việc đóng cửa cửa hàng do tòa án giám sát về phá sản, công ty đã “tiến hành nghiên cứu bổ sung để giúp đảm bảo rằng chúng tôi không tạo ra tình trạng sa mạc hiệu thuốc trong cộng đồng mà chúng tôi phục vụ", Rite Aid khẳng định
Walgreens đã đóng cửa 150 địa điểm ở Mỹ vào cuối mùa hè tới. Họ cũng cam kết thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc dược phẩm. Họ sử dụng các dịch vụ dược phẩm có mục tiêu như giao thuốc theo toa trong ngày để trợ giúp các khu vực chưa được tiếp cận với hiệu thuốc kịp thời.
“Chúng tôi cũng tham gia vào các liên minh quan trọng để tiếp cận những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, vì chúng tôi có lịch sử lâu dài hợp tác với các nhà thờ địa phương, các nhóm dân sự và các tổ chức dịch vụ công quốc gia để cung cấp vaccine cứu sống cho những nhóm dân cư chưa được chăm sóc y tế", Walgreens thông báo.
Vào năm 2021, CVS thông báo sẽ đóng cửa khoảng 900 cửa hàng trong ba năm tới. Từ năm 2018 đến năm 2020, công ty đã đóng cửa 244 địa điểm. CVS đã không trả lời yêu cầu bình luận của The Post.
Các hiệu thuốc độc lập cũng đang chịu áp lực do nhiều lực lượng tương tự. Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Dược sĩ Cộng đồng Quốc gia cho thấy các hiệu thuốc độc lập báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp nhất kể từ khi tổ chức này bắt đầu thu thập dữ liệu đó 10 năm trước.
Ronna Hauser, phó chủ tịch cấp cao của tập đoàn thương mại, cho biết những thay đổi sắp tới về cách chính phủ xử lý các khoản thanh toán Medicare có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Bà cho biết, quy định có hiệu lực từ ngày 1/1 tới, dự kiến sẽ giảm các khoản thanh toán cho hiệu thuốc.
"Dòng tiền sẽ là mối lo ngại thực sự trong 3-6 tháng đầu năm 2024. Chúng tôi lo ngại rằng có thể phải đóng cửa do khủng hoảng dòng tiền này và chúng tôi cũng rất lo ngại về các điểm tiếp cận cho bệnh nhân", Ronna Hauser bộc bạch.