Theo đó, trong một hành động đầu tiên về thương mại, ông Biden tối ngày 1/2 đã tái áp thuế trừng phạt 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE), mức thuế từng được ông Donald Trump gỡ bỏ một ngày trước khi ông rời Nhà Trắng.
“Tôi xem đây là bước đi cần thiết và đúng đắn, phù hợp với việc giữ lợi ích an ninh của Mỹ”, ông Biden lên tiếng giải thích cho quyết định áp thuế đối với nhôm nhập khẩu từ UAE. Với động thái này, ít có đối thủ Cộng hòa nào có cơ hội chỉ trích tân Tổng thống Mỹ mềm yếu về thương mại, như cách mà ông Trump từng bài xích bà Clinton trong cuộc đua Tổng thống năm 2016.
Nhìn rộng ra, đòn trừng phạt mới của ông Biden có thể sẽ phủ bóng đen lên hy vọng của khối doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu. Số này từng nghĩ rằng, ông Biden sẽ rút lại đòn trừng phạt thuế chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã tung ra đối với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu của nước ngoài, nhất là từ các nước châu Âu với lý do “bảo đảm an ninh quốc gia”.
Tuần trước, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Mỹ đã hối thúc ông Biden ngay lập tức dỡ bỏ thuế trừng phạt đối với mặt hàng nhôm, thép của châu Âu. Đổi lại, EU sẽ tức thời dỡ thuế trả đũa đánh vào các mặt hàng của Mỹ.
Nhưng tại Mỹ, các nghiệp đoàn người lao động trong ngành thép cùng với các nhà sản xuất nhôm thứ cấp cũng lên tiếng đòi ông Biden giữ nguyên mức thuế hiện tại. Tân Tổng thống Mỹ sẽ phải cân nhắc những yêu sách mang tín đối đầu này để có bước đi hợp lý, trong điều kiện ông muốn xích lại gần với châu Âu để giải quyết những thách thức chung như sự trỗi dậy của Trung Quốc hay biến đổi khí hậu.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ một số nước. Nhưng đến ngày 19/1/2020, ông ký quyết định đưa UAE - một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, khỏi danh sách các nước bị trừng phạt thuế nhập khẩu với mặt hàng này. Động thái trên xuất hiện tại đúng thời điểm Mỹ đạt thỏa thuận bán cho UAE 50 máy bay tiêm kích liên quân hiện đại F-35.