Theo WFP, đây là lần đầu tiên tuyến đường vận chuyển cứu trợ trực tiếp từ Jordan được khai thác kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát hồi đầu tháng 10. WFP khẳng định đây là bước đầu tiên quan trọng mở ra hành lang vận chuyển cứu trợ ổn định hơn thông qua Jordan, đồng thời tạo điều kiện có thêm nhiều hàng cứu trợ hơn đi vào Dải Gaza.
Cùng ngày 20/12, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo cho thấy Dải Gaza đã mất ít nhất 66% việc làm, tương đương khoảng 192.000 việc làm, kể từ khi xung đột bùng phát, đồng thời cảnh báo con số này còn tiếp tục tăng. Đây là lần thứ 2 ILO đánh giá tình trạng việc làm tại Dải Gaza kể từ tháng 10. Trong báo cáo đánh giá lần đầu tiên hồi tháng tháng 11, ILO ước tính Dải Gaza mất khoảng 182.000 việc làm, tức là hơn 60%. Phó giám đốc ILO phụ trách các nước Arab, Peter Rademaker, cho biết đến nay hầu như không có người nào ở Dải Gaza có thể kiếm được thu nhập bằng cách làm việc. Tình trạng này có xu hướng ngày càng tồi tệ hơn.
Tương tự, ở Bờ Tây bị chiếm đóng, tình trạng mất việc làm cũng xảy ra trên quy mô lớn trong bối cảnh bạo lực gia tăng nhằm vào người Palestine sau khi bùng phát xung đột. ILO ước tính Bờ Tây mất khoảng 32% việc làm từ ngày 7/10, tương đương 276.000 việc làm. Kể cả trước khi xung đột bùng phát và Israel siết chặt phong tỏa kinh tế với Dải Gaza, khoảng 50% trong dân số hơn 2,3 triệu người ở dải đất này sống dưới ngưỡng nghèo.