Hành trình dậy sóng ra Biển Đông của phóng viên BBC

Những ngày cuối năm 2015, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC có được cơ hội trở lại vùng biển có nhiều tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Và hành trình của anh chứng tỏ sóng ở Biển Đông dường như chưa bao giờ tĩnh lặng.

Chiếc máy bay đưa đoàn phiêu lưu ra Biển Đông.

Năm 2014, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes từng có mặt trên một con tàu đánh cá và được tiếp cận gần những công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các rạn san hô trong các vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Trở lại vùng biển này sau một năm, Rupert không hề nhận được sự chào đón nào của Hải quân Trung Quốc.

Sau nhiều tháng ròng rã lên kế hoạch và đàm phán, phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes có mặt trong căn phòng một khách sạn ở thủ đô Manila (Philippines), sẵn sàng hành trang để lên đường thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Một đồng nghiệp của Rupert gọi điện báo thông tin như trời giáng: chuyến đi đã bị hủy. Biên tập viên của Rupert từ London sau đó cũng gọi điện thông báo Đại sứ quán Trung Quốc đã gọi điện cảnh báo trước về rắc rối nếu BBC cố tình thực hiện chuyến đi. Vậy là kế hoạch ra đảo của Rupert tan tành.

Theo dự đoán của Rupert, toàn bộ câu chuyện này diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị có chuyến thăm Philippines và có khả năng Manila không muốn có một trận cãi vã. Vậy là một tuần chờ đợi vật vờ trong phòng khách sạn diễn ra. Chủ tịch Trung Quốc đến và đi, dẫn đến những cuộc đàm phán tiếp theo.

Cuối cùng phóng viên BBC cũng được phép lên đường ra đảo trên chiếc máy bay dân sự Cessna 206. Tham gia chuyến phiêu lưu này gồm có 2 phi công, 1 kỹ sư, 1 quay phim và Rupert. Họ có hai mục tiêu: ghi hình hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông và xem phản ứng của Trung Quốc trên những khu vực hiện nước này đang kiểm soát trái phép (Xem video dưới).



Phóng viên Rupert biết rằng, Trung Quốc là nước đã kí kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, theo đó quy định, các cấu trúc nửa nổi nửa chìm như rạn san hô không được phép yêu sách các vùng biển và việc xây dựng các công trình nhân tạo phía trên không biến những cấu trúc trên biển này thành vùng lãnh thổ để yêu sách chủ quyền.

Một quốc gia sở hữu một hòn đảo tự nhiên có thể yêu sách vùng 12 hải lý quanh đảo, cả trên biển lẫn trên không. Nhưng các công trình nhân tạo không có những quyền này. Nói cách khác, việc bay qua các đảo nhân tạo xây dựng trái phép của Trung Quốc là được phép và không vi phạm bất kì luật quốc tế nào cũng như Trung Quốc không thể can thiệp vào chuyến bay này.

Ngay khi Rupert hét lên với quay phim Jiro trong tiếng động cơ máy bay khi chiếc máy bay bay đến đá Gaven: “Còn nhớ chúng ta đã đi qua đây năm ngoái. Hồi đó họ chỉ mới bắt đầu xây dựng”, một giọng nói giận dữ vang lên trên sóng radio: “Máy bay quân sự chưa xác định ở phía tây…, đây là Hải quân Trung Quốc. Máy bay này đang đe dọa an ninh trạm chúng tôi. Để tránh nhầm lẫn, rời khu vực này ngay lập tức”.

Hình ảnh đá Gaven.

Chiếc máy bay dần chuyển hướng. Nhưng tiếng cảnh báo vẫn tiếp tục vang lên, lặp đi lặp lại bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh, càng lúc càng lớn tiếng và kích động. Kịch bản tương tự lặp lại ở đá Chữ Thập ở khoảng cách 20 hải lý. Lần này, phi công rẽ hướng ngay lập tức dù phóng viên Rupert nài nỉ quay trở lại để ghi hình. “Tôi xin lỗi. Chúng tôi có mệnh lệnh của mình”, viên phi công trả lời.

Khi quay trở lại Pagasa - khu vực do Philippines kiểm soát - để tiếp liệu, Rupert nói chuyện với hai phi công: “Nghe này. Chúng ta không phá luật nào cả, người Trung Quốc không bắn chúng ta đâu. Các anh phải giữ vững hành trình, và các anh phải phản hồi với họ và nói với họ chúng ta là một máy bay dân sự bay trong không phận quốc tế”.

“Anh phải hiểu, chúng tôi là phi công dân sự, không phải quân sự. Chúng tôi không biết họ có thể làm gì chúng ta, chúng tôi phải đặt an toàn làm đầu”, các phi công trả lời. Sau vài giờ tranh luận, cuối cùng hai phi công đồng ý sẽ thử giữ vững tinh thần trong lần bay tiếp theo.

Khi chiếc máy bay bay đến đá Vành Khăn, tiếng cảnh báo lại vang lên: “Máy bay quân sự nước ngoài ở phía tây bắc…, đây là Hải quân Trung Quốc, máy bay này đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi”. Cơ trưởng chiếc máy bay Philippines sau khi đã được chuẩn bị tâm lý, bình tĩnh trả lời: “Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines đang trên đường đến Palawan, chở hành khách dân sự. Chúng tôi không phải là máy bay quân sự, chúng tôi là máy bay một động cơ dân sự”.

Tuy nhiên, phần trả lời của cơ trưởng không tạo ra sự khác biệt nào. Phía Trung Quốc lặp lại lời cảnh báo: “Máy bay quân sự nước ngoài ở phía bắc…, đây là Hải quân Trung Quốc”. May mắn cho Rupert, lần này, hai phi công đã lấy lại tinh thần. Ở khoảng cách 12 hải lý, chiếc máy bay đi men theo phía bắc một đảo nhân tạp lớn và mới. Phía bên dưới có các tàu lớn nhỏ khác nhau, xi măng, công trình...

Khi chiếc máy bay vòng qua một đám mây, hình ảnh rõ ràng hiện ra với một đường bay mới đang được Trung Quốc xây dựng. Theo tính toán của Rupert, nếu cất cánh từ đây, máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể đến bờ biển Philippines trong khoảng thời gian 8 hoặc 9 phút.

Qua sóng radio, đoàn phiêu lưu Biển Đông của Rupert còn nghe một giọng nói khác vang lên. “Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc. Chúng tôi là máy bay Australia đang thực hiện các quyền tự do hàng hải quốc tế, trong không phận quốc tế theo Công ước hàng không dân dụng quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Hết”.

Trước Australia, Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến bay để bảo vệ tự do hàng hải và cho tàu thuyền đi vào Biển Đông trong những tháng gần đây. Thông điệp của Australia được lặp lại nhiều lần, nhưng không có phản hồi nào từ phía Trung Quốc. 

Mục đích của những chuyến bay này là nhằm gửi đến Trung Quốc một thông điệp: những quốc gia như Australia và Mỹ không công nhận những đảo nhân tạo của Trung Quốc. Tất cả những gì Trung Quốc đang làm trái phép trên Biển Đông chỉ nhằm đưa đến thực trạng “chuyện đã rồi”.

Hồi tháng trước ở Manila, Tổng thống Mỹ lặp lại thông điệp yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động xây dựng trái phép và không quân sự hóa Biển Đông. Song theo phóng viên Rupert, từ những gì anh ghi nhận được, mọi chuyện gần như đã đâu vào đấy.

Anh Tiếu (Theo BBC)
Ngư dân Trung Quốc cày nát san hô Biển Đông
Ngư dân Trung Quốc cày nát san hô Biển Đông

Khi chiếc thuyền đưa phóng viên Rupert Wingfield-Hayes đến vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, anh không khỏi rùng mình mục sở thị cảnh ngư dân Trung Quốc biến một hệ sinh thái biển đa dạng thành “bãi tha ma” dưới đáy biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN