Tại Rwanda, quốc gia Trung Phi được mệnh danh là “vùng đất nghìn ngọn đồi”, để đến được một cơ sở y tế gần nơi sinh sống nhất, người dân thường phải đi bộ một quãng đường trung bình mất 95 phút. Thời gian di chuyển này đã được rút ngắn xuống còn 47 phút vào năm 2020, song việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe kịp thời vẫn là thách thức với rất nhiều người dân Rwanda.
Mỗi khi con cái hay bản thân mắc bệnh, chị Musanabera Claudine cũng như nhiều người dân ở thị trấn Musovu phải đi bộ tới hơn 2 giờ để đến được trạm y tế gần nhất. “Nếu không có một chiếc xe đạp, bệnh tình sẽ chuyển xấu rất nhanh trước khi bạn tới được trạm y tế.” Còn đối với phụ nữ mang thai, các thai phụ thường thuê một chiếc xe máy với giá 2.500 Franc Rwanda, tức khoảng 2,43 USD, nếu không sẽ phải đi bộ hàng giờ để có thể sinh con an toàn tại cơ sở y tế.
Những khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế không chỉ xảy ra ở Rwanda mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 30% dân số toàn cầu hiện không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Trong khi đó, 2 tỷ người phải đối mặt với các chi phí y tế khổng lồ, với sự bất bình đẳng đáng kể ảnh hưởng tới những người sống ở những nơi dễ bị tổn thương nhất. Khoảng 930 triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói do chi tiêu y tế vượt quá 10% ngân sách hộ gia đình.
Để nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe cũng như vận động cho những thay đổi tích cực, WHO đã chọn ngày 7/4 hằng năm là Ngày Sức khỏe thế giới, hay còn gọi là Ngày Y tế thế giới. Năm nay, Ngày Sức khỏe thế giới có chủ đề “Sức khỏe cho tất cả mọi người”, hình dung về một tương lai nơi tất cả mọi người, kể cả hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu hiện nay, có sức khỏe tốt và có thể sống một cuộc sống trọn vẹn trong một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững.
Ngày Sức khỏe thế giới 2023 cũng đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập WHO. Tổ chức này coi đây là cơ hội không chỉ để nhìn lại những thành tựu về y tế đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong 7 thập niên qua, mà còn để tạo động lực và thực hiện các hành động phù hợp nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe của hôm nay và mai sau.
Trong 75 năm qua, thế giới đã chứng kiến những tiến bộ phi thường về y tế, như thanh toán bệnh đậu mùa, gần như loại bỏ hoàn toàn bệnh bại liệt, giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai, cứu sống hàng triệu trẻ em nhờ các chương trình tiêm chủng...Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và các tình trạng khẩn cấp về y tế khác, cùng những cuộc khủng hoảng nhân đạo và khí hậu chồng chéo, bất ổn kinh tế, xung đột, đã đẩy lùi hành trình hướng tới mục tiêu sức khỏe cho mọi người của tất cả các quốc gia.
Để biến mục tiêu sức khỏe cho tất cả mọi người thành hiện thực, thế giới còn chặng đường dài phía trước. Theo WHO, các cá nhân và cộng đồng phải được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao để có thể tự chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Các nhân viên y tế lành nghề cần cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng, lấy con người làm trung tâm, còn các nhà hoạch định chính sách cần cam kết đầu tư vào bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thực tế cũng chứng minh đảm bảo cung cấp chăm sóc sức khỏe ban đầu là cách hiệu quả và tiết kiệm để mang các dịch vụ chăm sóc y tế tới gần hơn với mọi người. Với sự hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật của WHO, kể từ tháng 8/2021, Chính phủ Rwanda đã ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu khi thành lập 1.179 trạm y tế cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản trên toàn quốc, hướng tới mục tiêu đến năm 2024 người dân chỉ cần đi bộ chưa đầy 24 phút để đến cơ sở y tế. WHO ước tính, việc nhân rộng can thiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có thể cứu sống 60 triệu sinh mạng và tăng tuổi thọ trung bình thêm 3,7 tuổi vào năm 2030.
Bên cạnh đó, WHO kêu gọi các quốc gia cần ưu tiên đầu tư vào giáo dục, đào tạo kỹ năng và tạo việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, cũng như ngăn tình trạng thiếu hụt 10 triệu nhân viên y tế vào năm 2030 như dự báo. Thiếu hụt lực lượng lao động trong ngành y tế sẽ dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng đối với hệ thống y tế và trở thành rào cản trong việc cung cấp vaccine, thuốc men và các công cụ cứu sinh khác.
Tại Diễn đàn toàn cầu về nguồn nhân lực y tế, diễn ra từ ngày 3-5/4 tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khẳng định, các nhân viên y tế, “những người làm việc ngày qua ngày để bảo vệ chúng ta”, đang bị quá tải, đặc biệt từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các cuộc đình công diễn ra tại nhiều quốc gia cho thấy nhân viên y tế không hài lòng về điều kiện làm việc. Do đó, ông Tedros khuyến khích các quốc gia tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt, trả lương công bằng, xóa bỏ khoảng cách về lương theo giới tính, trong bối cảnh nữ giới chiếm 2/3 lực lượng chăm sóc sức khỏe.
Còn theo Tiến sĩ Soumya Swaminathan, cựu trưởng nhóm khoa học của WHO, cần phải dựa vào những đổi mới, công nghệ và vaccine để xây dựng cộng đồng khỏe mạnh hơn trong tương lai. Tuy nhiên, công nghệ phát triển sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để cung cấp khả năng tiếp cận bình đẳng các sản phẩm và dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp.
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh rằng, lịch sử 75 năm của WHO đã chứng minh những điều có thể đạt được khi các quốc gia đoàn kết với nhau vì một mục đích chung. Những thách thức y tế toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng hợp tác toàn cầu. Người đứng đầu WHO khẳng định, giờ là lúc các nhà lãnh đạo thế giới hành động để đáp ứng những cam kết về bao phủ sức khỏe toàn dân, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ nếu muốn đạt được Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe. Cùng nhau hành động, thế giới mới có thể đạt được mục tiêu sức khỏe cho tất cả mọi người.