Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tại cuộc đối thoại, các quan chức hai nước đã khẳng định lại cam kết về việc thực thi các nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Triều Tiên cho tới khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đồng thời nhất trí quyết tâm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để mang đến những cơ hội.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ: “Sau khi trao đổi đánh giá về những hoạt động gần đây của Triều Tiên, hai bên đã cam kết tiếp tục giám sát tình hình một cách chặt chẽ… Hai bên cũng chia sẻ nhận thức rằng, việc thực thi các nghị quyết của LHQ là hết sức quan trọng cho tới khi Triều Tiên tuân thủ các cam kết nghĩa vụ quốc tế của mình hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa”.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, căn cứ vào các điều kiện an ninh hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, phía Mỹ cũng cam kết duy trì điều khoản về mở rộng phòng thủ tại Hàn Quốc - cách nói ám chỉ tới cam kết của Washington về việc sử dụng toàn bộ các khả năng quân sự, bao gồm các vũ khí hạt nhân, thông thường và tên lửa.
Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đồng thời cũng công nhận một số thành tựu đạt được thông qua những điều khoản của hiệp định quân sự liên Triều năm ngoái nhằm giúp hạt nhiệt các căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên và xây dựng lòng tin. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Seoul và Washington cũng cam kết hợp tác chặt chẽ để triển khai toàn diện hiệp định này.
Liên quan đến việc Hàn Quốc hủy bỏ Hiệp định An ninh thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản, các quan chức Mỹ một lần nữa bày tỏ lo ngại về tác động của quyết định này đối với hợp tác ba bên về an ninh.
Đáp lại, giới chức Hàn Quốc nhắc lại lập trường rằng Seoul có thể cân nhắc lại quyết định này nếu Nhật Bản rút lại những hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc, động thái mà Seoul cho là nhằm trả đũa phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc buộc các công ty Nhật Bản bồi thường các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Về chuyển giao Quyền Chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) từ Washington cho Seoul, hai bên cam kết tiến hành các công tác chuẩn bị và nhất trí hành động hơn nữa để đáp ứng được điều kiện chuyển giao như năng lực lãnh đạo của Seoul trong cơ chế quốc phòng chung giữa hai nước cũng như khả năng đối phó trước các đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và một môi trường an ninh ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực. Hai bên đang hướng tới đặt mục tiêu vào năm 2022 tiến hành chuyển giao OPCON.
Liên quan tới sáng kiến chính sách an ninh, hai bên đã thảo luận các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ đồng minh này và trao đổi ý kiến về tầm nhìn tương lai.
Được tổ chức định kỳ một năm hai lần từ năm 2011, KIDD là cuộc họp quốc phòng toàn diện giữa hai nước đồng minh Hàn Quốc và Mỹ, trong đó có sự kết hợp tham gia của một loạt cơ cấu tham vấn như Ủy ban Chính sách răn đe mở rộng và Sáng kiến chính sách về an ninh. Suwjk iện năm nay diễn ra vào thời điểm hai đồng minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhạy cảm, như việc Hàn Quốc chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản cũng như các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc chia sẻ chi phí cho binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Thứ trưởng Quốc phòng Chung Suk-hwan đại diện cho phía Hàn Quốc, trong khi Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á Heino Klinck dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị này.