Trường hợp tử vong của một công nhân Trung Quốc sau khi nhiễm hantavirus đã gây ra tâm lý lo ngại cho một bộ phận cư dân mạng thế giới. Mặc dù các chuyên gia y tế khẳng định nguy cơ về sự lây lan của hantavirus là rất thấp, song các quốc gia đang phát triển vẫn cần chung tay đầu tư và hợp tác trên lĩnh vực y tế công cộng.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), ngày 21/3, một công nhân Trung Quốc, quê ở Vân Nam, đi xe buýt quay trở lại tỉnh Sơn Đông làm việc, đã được chẩn đoán dương tính với hantavirus và tử vong. 29 người khác ngồi cùng xe với nạn nhân đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm với hantavirus hiện chưa có. Dòng tin tức này ngay lập tức đã được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, dấy lên lo ngại bùng phát một bệnh dịch khác trong lúc toàn cầu đang nỗ lực hết mình để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế trấn an mối lo ngại đó là không cần thiết. Hantavirus là một loại virus lây nhiễm từ loài động vật gặm nhấm như chuột. Không giống virus SARS-CoV-2, hantavirus lây nhiễm từ người sang người qua máu và chất bài tiết thay vì hệ thống hô hấp.
Bệnh truyền nhiễm do hantavirus, được biết đến với tên gọi khác là sốt xuất huyết do dịch, hay sốt xuất huyết do hội chứng thận, có các triệu chứng phát bệnh như sốt, xuất huyết, tổn thương thận và suy chức năng các cơ quan khác.
Bệnh có thể lây nhiễm từ động vật gặm nhấm qua tiếp xúc trực tiếp với con vật, ăn thức ăn mà chúng chạm phải hoặc hít thở trong không khí bị ô nhiễm bởi phân chuột. Bệnh phổ biến tại các làng quê từ tháng 5 đến tháng 6 và tháng 10 đến tháng 12.
"Không cần phải lo lắng về hantavirus, vì bệnh đó có thể phòng ngừa và kiểm soát nhờ có vaccine. Tỷ lệ mắc bệnh ở các thành phố lớn rất thấp. Bệnh chủ yếu được phát hiện ở các làng quê nơi chuột xuất hiện nhiều”, chuyên gia Yang Zhanqiu, nghiên cứu về virus tại Đại học Vũ Hán giải thích.
Bệnh phổ biến ở khu vực Á-Âu, với các ca nhiễm bệnh ở Nga, Phần Lan, Thụy Điển và Trung Quốc. Tỷ lệ tử vong do nhiễm hantavirus ở Trung Quốc là từ 1% đến 10% trong khi tỷ lệ tử vong ở Mỹ cao hơn, lên tới 40%. Sau ca tử vong của một người Trung Quốc do nhiễm hantavirus, các chuyên gia tại tỉnh Vân Nam đã tiến hành điều tra dịch tễ học. Trong 5 năm qua, tỉnh này ghi nhận 1.231 bệnh nhân nhiễm hantavirus.
Mặc dù các chuyên gia trấn an nguy cơ về sự lây lan của hantavirus là rất thấp, song loại virus này cũng là một phép thử cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những nước có mật độ dân số cao như Trung Quốc và Ấn Độ.
Vì nhận thức giữ gìn vệ sinh công cộng kém và ô nhiễm nghiêm trọng, người Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng trước các bệnh dịch truyền nhiễm. Mặc dù tình hình có thể đã được cải thiện do sự phát triển kinh tế, song một số người Trung Quốc vẫn giữ thói quen ăn động vật hoang dã – những loài được coi là vật chủ chứa nhiều loại virus nguy hiểm nhất thế giới.
Trong khi đó, Ấn Độ - có dân số gần xấp xỉ Trung Quốc – cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ, điều kiện tiếp cận với nước sạch, nhà vệ sinh và hệ thống xử lý nước thải vẫn luôn là một vấn đề lớn đối với người dân nước này.
Theo tác giả Zhou Qing trên Thời báo Hoàn cầu, đại dịch COVID-19 đang hoành hành và nỗi sợ về hantavirus “một lần nữa dạy chúng ta rằng virus là kẻ thù mà nhân loại phải đối mặt”. Virus thường ẩn dật trong bóng tối, nhưng một khi tấn công, chúng ta cần phải chuẩn bị và sẵn sàng đối phó, Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đều có vấn đề của riêng mình. Chính vì vậy, những nước này nên hợp tác để cải thiện cuộc sống của người dân và hệ thống y tế công cộng đề phòng các nguy cơ từ virus.