Tuy nhiên, vài tháng gần đây, những danh hiệu trên đang dần mờ nhạt khi ông Ma dường như chuyển trọng tâm từ thế giới ảo trực tuyến sang trồng trọt.
Năm 2020, đế chế kinh doanh của người đàn ông được xếp thứ 17 thế giới về độ giàu có này đã bị chính phủ Trung Quốc “sờ gáy”. Cuộc phát hành cổ phiếu công chúng lần đầu của tập đoàn Ant Group – một nhánh của Alibaba – cũng bị đổ bể.
Trong một thời gian, hình ảnh ông Jack Ma vốn luôn nổi bật trong mắt công chúng bỗng phai nhạt, thậm chí có người còn đồn đoán rằng ông đã "ở ẩn". Nhưng vào giữa tháng 1/2021, sau khi "biến mất" hơn hai tháng, ông cuối cùng đã xuất hiện trở lại trước công chúng vì một lý do chính đáng: phát biểu qua video trước 100 giáo viên nông thôn Trung Quốc.
Ông nói: "Trong suốt thời gian này, tôi và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và suy nghĩ, và chúng tôi thậm chí đã cống hiến mạnh mẽ hơn cho ý tưởng từ thiện giáo dục. Không chỉ vì tôi là một giáo viên, mà quan trọng hơn, bởi vì vấn đề giáo dục, đặc biệt giáo dục nông thôn”.
"Ngày nay, Trung Quốc đã xóa đói giảm nghèo và đang thúc đẩy chiến lược tái phát triển nông thôn và bước vào một giai đoạn thịnh vượng chung mới. Hỗ trợ và phục vụ giáo viên nông thôn, bổ sung cho bộ giáo dục trong việc phát triển giáo dục nông thôn, và hướng tới trẻ hóa các ngôi làng cũng như đạt được sự thịnh vượng chung. Tôi cho rằng đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ chủ doanh nghiệp này".
Giới phân tích nhận định sự tái xuất của ông Ma cho thấy ông sẽ tập trung hơn vào hoạt động từ thiện, cũng như sự ủng hộ của ông đối với các chủ đề hiện tại về xóa đói giảm nghèo, trẻ hóa khu vực nông thôn và thịnh vượng chung.
Ông Ma đã thực hiện một số động thái quan trọng, đầu tiên là chuyến thăm đến một cơ sở nông nghiệp ở thành phố Bình Hồ, tỉnh Chiết Giang, ngày 1/9. Một ngày sau đó, Alibaba công bố “10 bước hướng đến thịnh vượng chung”, trong đó nhắc đến đầu tư nhiều hơn trong công nghệ và công nghiệp hoá trồng trọt. Những hoạt động này rất phù hợp với chủ đề chính thức.
Tiếp đến, ngày 19/10, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) thuộc quản lý của Alibaba thông tin rằng ông Jack Ma đã đến Tây Ban Nha để nghiên cứu về nông nghiệp và công nghệ liên quan đến các vấn đề môi trường. Đây là lần đầu tiên ông rời khỏi Trung Quốc từ tháng 10/2020.
Một tuần tiếp theo, SCMP dẫn nguồn một số nhân vật cho hay ông Jack Ma đang thăm các viện nghiên cứu ở Hà Lan để tìm hiểu công nghệ trong nông nghiệp.
Các nguồn tin này cho biết ông Ma sẽ tiếp tục đi du lịch ở châu Âu để thăm nhiều công ty và cơ sở nghiên cứu khác liên quan đến cơ sở hạ tầng nông nghiệp, giống cây trồng và đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực này. Họ cũng cho biết ông tin rằng sự kết hợp giữa công nghệ này với điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo của Alibaba sẽ tạo ra tiềm năng to lớn cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp ở Trung Quốc.
Tổng hợp mọi sự kiện trên lại có thể dễ dàng suy ra rằng mục tiêu nghề nghiệp tiếp theo của ông Ma sẽ là làm nông nghiệp. Trên thực tế, ông đã thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực này từ trước đó.
Ông từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 ở Davos rằng nếu ông có thể bắt đầu một công việc kinh doanh mới, đó sẽ là nông nghiệp. Tại một hội nghị của Alibaba về xóa đói giảm nghèo cùng năm đó, ông nói rằng trước đây, nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng trong tương lai, nông dân sẽ đối mặt với màn hình và được hỗ trợ bởi các tính toán và thuật toán. Sinh kế của họ sẽ phụ thuộc vào phân tích dữ liệu và đưa ra các đánh giá định dựa trên dữ liệu lớn (big data).
Ông cũng cho biết thế hệ nông dân trước đây đã rời bỏ nhà cửa để làm công nhân nhập cư ở các thành phố, nhưng nông dân ngày nay có thể làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp mà không cần phải rời bỏ đất đai của họ. Ông nói: “Chúng tôi không chỉ giúp nông dân tăng vụ mà còn giúp họ thay đổi cách làm”.
Nói một cách đơn giản, ông Ma hy vọng nông dân có thể sử dụng công nghệ để chấm dứt sự phụ thuộc vào các phương pháp canh tác truyền thống và tăng thêm thu nhập.
Bên cạnh ông Jack Ma, một số ông trùm công nghệ khác ở Trung Quốc cũng quay trở về với đồng ruộng. Bài phát biểu của Giám đốc điều hành Tencent Ma Huateng tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc năm nay là khuyến khích tích hợp công nghệ Internet và canh tác thông minh cũng như nuôi dưỡng những người nông dân thời đại mới. Ngoài ra, ông William Ding của NetEase đã bắt đầu nuôi lợn vào năm 2009.
Vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cảnh báo về an ninh lương thực, cho rằng mặc dù sản xuất lương thực của nước này đã hoạt động tốt suốt nhiều năm thì vẫn phải cảnh giác về khủng hoảng an ninh lương thực.
Vào tháng 4 năm nay, lần đầu tiên, khả năng sản xuất lương thực được coi là một chỉ số an ninh quan trọng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc.
Dựa trên nền dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc là nước tiêu thụ thực phẩm lớn nhất thế giới, thậm chí nước này cũng là nước sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới. Thống kê năm 2020 cho thấy tỷ trọng nhập khẩu thực phẩm hiện tại của Trung Quốc là khoảng 20%. Với thương chiến Trung - Mỹ vẫn chưa được giải quyết, có những lo ngại rằng một khi tình hình bên ngoài xấu đi, nguồn thực phẩm người dân Trung Quốc có thể là yếu tố đầu tiên bị ảnh hưởng.
Mặt khác, đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn cầu, và với trận lũ lụt vào tháng 7 ở Hà Nam (được biết đến là vựa lúa của Trung Quốc), sản xuất lương thực cũng rơi vào áp lực.
Vì vậy, nếu các công ty tư nhân của Trung Quốc nắm giữ công nghệ và quỹ tích cực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ở một mức độ nào đó sẽ giảm bớt rủi ro về an ninh lương thực của đất nước. Mặc dù điều này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng các nhà chức trách có thể sẽ rất vui khi thấy nó xảy ra.
Hiện tại, các nhà chức trách Trung Quốc đang coi sự thịnh vượng chung trở thành ưu tiên hơn bao giờ hết, Một nhà tài phiệt bị "giám sát chặt chẽ" như ông Ma thường xuyên nói về hiện đại hóa nông nghiệp và trẻ hóa các khu vực nông thôn có lẽ là điều đúng đắn nhất theo quan điểm trên.