Hậu quả gây sốc của di chứng COVID-19 kéo dài ở trẻ em

COVID-19 gây ra những di chứng thần kinh, thể chất đeo bám dai dẳng không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ em, cho dù chỉ mắc bệnh thể nhẹ.

Những nạn nhân trẻ tuổi

Chú thích ảnh
Will Grogan. Ảnh: New York Times

Theo tờ New York Times, Will Grogan 15 tuổi ở Dallas (Mỹ) gặp chứng sương mù não (rối loạn chức năng nhận thức) nghiêm trọng tới mức quên cả kiến thức môn sinh học mà mình đã thuộc làu làu ngày trước đó. Will trông mệt mỏi tới mức giáo viên phải bảo cậu gặp y tá ở phòng y tế trường học.

Những gì xảy ra với Will trong giờ sinh học chỉ là một trong nhiều lần cậu bé bị rối loạn nhận thức sau khi mắc COVID-19 hồi tháng 10/2020, cùng với các vấn đề như mệt mỏi và đau chân nghiêm trọng.

Trước đây, Will là học sinh năng động, chơi tennis rất giỏi, nhưng sau khi mắc COVID-19, cậu bé hiếm khi rời khỏi giường trong 35 ngày liền. Cậu bé chóng mặt tới mức phải ngồi tắm để tránh ngất. Khi đi học trở lại, chứng sương mù não khiến cậu cảm thấy các con số trôi khỏi trang sách, quên nộp bài tập, viết tiếng Pháp trong bài tập tiếng Anh.

Will cho biết tình trạng này thật đáng sợ và có thể không bao giờ cậu trở thành học sinh giỏi như xưa.

Với Sierra Trudeau 12 tuổi, sau 6 tháng mắc COVID-19, các triệu chứng kéo dài khiến cô bé và mẹ phải lái xe 80km tới Bệnh viện Nhi Boston để điều trị. 

Sierra mệt, đau đầu, hay quên và gặp nhiều triệu chứng khác. Mọi thứ đều có thể khiến Sierra khóc và mẹ cô bé cho biết Sierra không còn là mình nữa.

Về phần mình, Messiah Rodriguez, 17 tuổi, chưa từng gặp vấn đề sức khỏe trước khi mắc COVID-19 hồi Lễ Tạ ơn năm 2020. Từ một cầu thủ bóng rổ năng động, Messiah phải ngừng chơi, chạy ra khỏi sân, nôn thốc giữa hai hiệp đấu. Messiah chưa từng trải qua chuyện gì tương tự. Cậu bé cũng gặp vấn đề sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 và đang uống thuốc chống trầm cảm, lo âu.

Trước khi mắc bệnh, Messiah thích nói chuyện với người khác nhưng sau đó, cậu lảng tránh mọi người để đỡ phải nói chuyện.

Di chứng kéo dài khó hiểu

Khi nhiều học sinh khắp nước Mỹ chuẩn bị trở lại trường học, nhiều em như Will, Sierra và Messiah vẫn đang chật vật hồi phục vì chịu nhiều di chứng hậu COVID-19. 

Các nghiên cứu ước tính tình trạng COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng tới 10-30% người lớn mắc bệnh. Với trẻ em, có nghiên cứu cho rằng tình trạng này tác động tới 11-15%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thành tích học tập.

Chú thích ảnh
Một bé gái 12 tuổi chịu di chứng COVID-19 kéo dài. Ảnh: New York Times

Số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng mạnh, một phần là do biến thể Delta, một phần là nhiều trẻ em 12-17 tuổi chưa tiêm vaccine đầy đủ, còn những trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine.

Các bác sĩ cho biết ngay cả trẻ em có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng cũng có thể trải qua tình trạng COVID-19 kéo dài, làm gián đoạn việc học hành, giấc ngủ, hoạt động ngoại khóa và các mặt khác trong cuộc sống.

Tiến sĩ Avindra Nath tại Viện Đột quỵ và Rối loạn Thần kinh Quốc gia nói: “Ảnh hưởng tiềm tàng rất lớn. Các em đang ở giai đoạn phát triển. Nếu bị tụt lại phía sau, mọi chuyện sẽ rất khó khăn vì các em mất tự tin. Các em sẽ tụt dốc”.

Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, gần 4,2 triệu người trẻ tuổi ở Mỹ mắc COVID-19. Các bác sĩ cho rằng sẽ còn nhiều người trẻ tuổi chịu tình trạng COVID-19 kéo dài.

Tại Bệnh viện Nhi Boston, nơi có một chương trình dành cho bệnh nhân COVID-19 kéo dài, Tiến sĩ Molly Wilson-Murphy cho biết phần lớn bệnh nhân trong chương trình là trẻ em từng mắc COVID-19 và hồi phục tại nhà, sau đó các triệu chứng không bao giờ biến mất.

Theo Tiến sĩ Amanda Morrow tại Viện Kennedy Krieger ở Baltimore, điều trị sớm có thể hỗ trợ phục hồi. Tuy nhiên, các chuyên gia không thể dự báo ai sẽ bị ảnh hưởng, ảnh hưởng thế nào và hồi phục nhanh chậm ra sao. Phần lớn những gì về COVID-19 kéo dài vẫn là điều bí ẩn. 

Theo nghiên cứu hồi tháng tư của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, 9,8% trong số trẻ từ 2-11 tuổi và 13% trong số trẻ từ 12-16 tuổi mắc COVID-19 gặp triệu chứng kéo dài tới 5 tuần sau hồi phục. Sau 12 tuần, tỷ lệ vẫn cao: 7,4% và 8,2%.

Theo một nghiên cứu khác của Anh, 4,4% trong số 1,734 trẻ em vẫn có triệu chứng trong hơn 4 tuần sau khi mắc COVID-19, cao gấp hơn 4 lần so với tỷ lệ người có triệu chứng sau khi mắc các bệnh khác như cúm. Khoảng 2% bệnh nhân vẫn còn triệu chứng sau 8 tuần.

Với trên 201 triệu người mắc COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang vô cùng lo ngại về tình trạng di chứng kéo dài hậu COVID-19. WHO kêu gọi những người đang chịu đựng hội chứng hậu COVID-19, dù đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính, nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Bởi cho đến nay, đây vẫn là một trong những “góc khuất” của đại dịch chưa được tìm ra.

Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, cũng là người đứng đầu nghiên cứu về di chứng kéo dài hậu COVID-19, bà Janet Diaz cho biết đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, trong đó có cả những hiện tượng như đau ngực, ngứa ran và phát ban.

Theo bà Diaz, một số bệnh nhân thậm chí còn có các triệu chứng kéo dài từ giai đoạn cấp tính; một số khác lại bình phục sau đó lại tái phát, với những biểu hiện bệnh xuất hiện và tự biến mất; trong khi một số khác có các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khi hồi phục từ giai đoạn cấp tính. Bà Diaz cho biết một số người có biểu hiện bệnh kéo dài 3 tháng, nhưng cũng có những người lên đến 6 tháng, thậm chí có thể có một tỷ lệ nhỏ kéo dài đến 9 tháng hoặc lâu hơn nữa.

Ngoài việc mở rộng nghiên cứu để tìm hiểu và kiểm soát hội chứng hậu COVID-19, WHO đang phối hợp để đưa ra các chương trình phục hồi chức năng tốt hơn cho những người bị đang trải qua tình trạng này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
5 chỉ số minh chứng COVID-19 tái bùng phát nghiêm trọng tại Mỹ
5 chỉ số minh chứng COVID-19 tái bùng phát nghiêm trọng tại Mỹ

Tình trạng tiêm chủng chậm lại và biến thể Delta dễ lây lan đã kéo nước Mỹ trở lại một đợt bùng phát dịch COVID-19 nguy hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN