Nghị quyết do Mỹ soạn thảo này giành được 9 phiếu thuận tại hội đồng gồm 15 thành viên, song 6 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Nga, Trung Quốc và Ethiopia, quốc gia đang đóng vai trò chủ chốt trong các nỗ lực hòa bình của khu vực.
Một phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ ngày 22/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Nghị quyết 2418 yêu cầu Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tới ngày 30/6 phải có báo cáo về việc liệu lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 12 năm ngoái có được tuân thủ và các bên tham chiến tại Nam Sudan "có tiến tới một thỏa thuận chính trị khả thi hay không". Nếu không, trong vòng 5 ngày sau khi Tổng thư ký đưa ra báo cáo như vậy, HĐBA "có thể xem xét" áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số quan chức cấp cao của chính phủ Nam Sudan và có thể thực thi cả lệnh cấm vận vũ khí.
Các quan chức bị đe dọa trừng phạt gồm Bộ trưởng Quốc phòng Kuol Manyang Juk, Bộ trưởng Thông tin Michael Lueth, Bộ trưởng các vấn đề nội các Martin Elia Lomuro, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần Malek Reuben Riak Rengu, cựu Tư lệnh quân đội Paul Malong và Thống đốc bang Bieh Koang Rambang.
Các quan chức này bị Mỹ cáo buộc "đổ dầu" vào cuộc xung đột ở Nam Sudan như vi phạm lệnh ngừng bắn, ra lệnh cho các lực lượng chính phủ thực hiện các vụ tấn công, cản trở nỗ lực viện trợ nhân đạo cũng như ngăn cản hoạt động của phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan...
HĐBA LHQ đã áp đặt trừng phạt đối với một số quan chức cấp cao của Nam Sudan thuộc cả hai phe trong cuộc xung đột năm 2015. Mỹ muốn áp đặt thêm lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan hồi tháng 12/2016, nhưng nỗ lực này đã bất thành sau khi Nga tuyên bố việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt hoặc cấm vận vũ khí nhằm vào Nam Sudan sẽ chỉ phản tác dụng.
Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Ethiopia Tekeda Alemu cảnh báo rằng nghị quyết này có thể dẫn đến sự sụp đổ của nỗ lực hòa bình khu vực mà Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) gồm 8 quốc gia đang tiến hành.
Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn tháng từ tháng 12/2013 sau khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar nổ ra, dẫn đến cuộc chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với ông Kiir chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar.
Xung đột và nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Nam Sudan đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến dòng người tìm kiếm tị nạn gia tăng nhanh nhất thế giới. Một thỏa thuận hòa bình được ký kết hồi tháng 8/2015 giữa các nhà lãnh đạo đối lập dưới áp lực của LHQ, dẫn tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4/2016. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ tháng 7/2016.