Dự thảo nghị quyết ban đầu do Pháp và Tunisia cùng soạn thảo tuần trước chỉ đề nghị kế hoạch “tạm ngừng" xung đột trong 30 ngày vì mục đích nhân đạo, đồng thời kêu gọi chấm dứt thái độ thù địch ở các quốc gia liên quan và tăng cường hợp tác quốc tế để chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bản dự thảo được sửa đổi ngày 27/4, HĐBA kêu gọi tất cả các bên xung đột vũ trang tham gia ngay lập tức vào kế hoạch “tạm ngừng" vì mục đích nhân đạo trong ít nhất 90 ngày liên tiếp.
Theo dự thảo, kế hoạch này sẽ đảm bảo công tác hỗ trợ nhân đạo được an toàn, không bị cản trở và bền vững.
Dự thảo nghị quyết mới trên đề cập xung đột ở các nước Syria, Yemen, Afghanistan, Mali, CH Trung Phi, Libya, Colombia và Sudan. Tuy nhiên, HĐBA LHQ hiện chưa ấn định ngày bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết này vì vấn đề khó khăn nhất trong nghị quyết là vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà Mỹ chỉ trích mạnh mẽ chưa được giải quyết.
Trước đó, hôm 23/3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn để bảo vệ dân thường tại các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá như Yemen và Syria, những nơi mà hệ thống y tế nghèo nàn sẽ không ứng phó được dịch bệnh.
Các bên xung đột đã hưởng ứng lời kêu gọi này của ông Guterres, theo đó xung đột đã giảm phần nào. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, các hoạt động thù địch ở một số quốc gia như Yemen, Libya và Nam Sudan lại tiếp diễn. Tại Colombia, nhóm Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) - lực lượng nổi dậy còn lại duy nhất ở Colombia sau khi Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) giải giáp - ngày 27/4 tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động từ ngày 1/5.