Ngày 17/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua tuyên bố chủ tịch ủng hộ sáng kiến của Đặc phái viên Tổng thư ký (TTK) LHQ về Syria nhằm thực thi Tuyên bố chung Geneva. Đây cũng là văn kiện đầu tiên về Syria được HĐBA LHQ thông qua trên cơ sở đồng thuận, tức không có nước nào trong số 15 ủy viên của hội đồng bày tỏ ý kiến phản đối và không cần phải biểu quyết.
Toàn cảnh một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: THX-TTXVN |
Tuyên bố chủ tịch gồm 16 điểm của HĐBA nêu rõ cơ quan này ủng hộ đề xuất của Đặc phái viên TTK LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura về việc thành lập 4 nhóm công tác với sự tham gia của đại diện Chính phủ Syria và lực lượng đối lập nhằm tiến hành đối thoại chính trị và thực thi Tuyên bố chung Geneva.
Tuyên bố chủ tịch cũng nêu rõ HĐBA LHQ khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước mối đe dọa đến từ các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Nusra vốn đang kiểm soát một phần lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.
HĐBA LHQ cũng kêu gọi tất cả các bên cần phải ngăn chặn các hành động khủng bố của IS, Al-Nusra và các nhóm khác có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, Venezuela với tư cách là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đã bày tỏ không đồng ý với việc đề xuất thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria và cho rằng 5 nước ủy viên thường trực (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc) đã hợp tác chưa đầy đủ với 10 nước ủy viên còn lại trong quá trình soạn thảo văn kiện.
Tuy nhiên, Venezuela sau đó đã không bày tỏ ý kiến phản đối. Tuyên bố chủ tịch được 5 nước ủy viên soạn thảo sau khi Đặc phái viên Mistura ngày 29/7 báo cáo lên HĐBA, trong đó có đề nghị mời các bên liên quan ở Syria tham gia vào 4 nhóm công tác nhằm thực thi lộ trình hòa bình trên cơ sở Tuyên bố chung Geneva được thông qua từ tháng 6/2012.
Tuyên bố chung Geneva kêu gọi thúc đẩy đối thoại chính trị và một giai đoạn chuyển tiếp trong khi không đề cập đến vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Dự kiến, 4 nhóm công tác, liên quan tới 4 lĩnh vực gồm bảo vệ dân thường, thiết lập tiến trình chính trị, đấu tranh chống khủng bố và khôi phục đất nước, sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng Chín tới.
Các cuộc xuống đường biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu ngày 15/3/2011, tương tự như những sự kiện diễn ra trong cái gọi là làn sóng "Mùa xuân Arab" ở Ai Cập và Tunisia. Kể từ đó, tình trạng bất ổn và bạo loạn đã đẩy đất nước này vào cuộc chiến triền miên giữa chính phủ và các lực lượng chống đối.
Theo số liệu thống kê của LHQ, kể từ khi bùng phát năm 2011, xung đột vũ trang đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người, khiến 7,6 triệu người mất nhà cửa và khoảng 4 triệu người khác phải rời bỏ Syria đi lánh nạn.