Khói bốc lên trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy ở đông Aleppo ngày 3/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo hãng tin AFP của Pháp, dự thảo nghị quyết do Ai Cập, New Zealand và Tây Ban Nha - nước đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên tháng 12 của HĐBA, xây dựng kêu gọi thực hiện một cuộc ngừng bắn có thời hạn ít nhất 7 ngày.
Ban đầu các nước đề xuất nghị quyết muốn có lệnh ngừng bắn kéo dài 10 ngày, trong khi Nga - một trong 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ, chỉ muốn một thỏa thuận ngừng bắn có thời hạn 24 giờ có thể được gia hạn, và không áp dụng đối với nhóm phiến quân mang tên Mặt trận Al-Nusra.
Dự thảo nghị quyết mới nhất yêu cầu "tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Syria phải ngừng ngay lập tức bất kỳ cuộc tấn công nào trong thành phố Aleppo để cho phép các nhu cầu nhân đạo cấp bách được tiến hành" trong khoảng thời gian ban đầu là 7 ngày và có thể được gia hạn. Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi cho phép cung cấp đồ tiếp tế cho hàng chục nghìn người dân đang bị mắc kẹt trong cuộc bao vây tại khu vực phía Đông thành phố Aleppo hiện đang do lực lượng phiến quân nắm giữ.
Trong một động thái liên quan đến tình hình chiến sự ở Aleppo, Canada - thay mặt cho 74 trong tổng số 193 thành viên LHQ, đã kêu gọi tổ chức phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ để thông qua nghị quyết khác về cứu trợ nhân đạo tại Aleppo. Mặc dù chưa ấn định thời gian cụ thể, cuộc bỏ phiếu này có thể diễn ra trong vài ngày tới.
Dù không có phiếu phủ quyết trong các nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng LHQ, nhưng những nghị quyết này lại không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, theo một điều khoản từ năm 1950, Đại hội đồng LHQ có quyền đứng ra hành động thay cho HĐBA trong trường hợp HĐBA không đạt được sự nhất trí cần thiết.
Theo thống kê của các tổ chức nhân đạo quốc tế, gần 400 dân thường đã thiệt mạng tại thành phố Aleppo từ ngày 15/11, sau khi lực lượng Chính phủ Syria tiến hành các cuộc tấn công nhằm giải phóng khu vực miền Đông thành phố đang nằm trong tay phiến quân. Mặc dù Nga và Syria đã một vài lần ngừng bắn để lực lượng phiến quân ra đầu hàng nhưng các tay súng phiến quân vẫn tiếp tục cố thủ ở khu vực phía Đông Aleppo. Ước tính, mới chỉ có hơn 50.000 trong tổng số 250.000 người dân mắc kẹt ở thành phố này đã sơ tán.