Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nghị quyết 2042 được sự ủng hộ của tất cả 15 thành viên HĐBA, theo đó gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số cá nhân và thực thể đến ngày 26/2/2019, đồng thời gia hạn sứ mệnh của nhóm chuyên gia hỗ trợ thực thi cơ chế trừng phạt Yemen cho tới ngày 28/3/2019. Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với các cá nhân và thực thể nói trên.
Nghị quyết trên không đề cập việc Iran cung cấp vũ khí cho phiến quân Houthi ở Yemen.
Ngay trước khi thông qua nghị quyết trên, HĐBA LHQ cũng tiến hành bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết do Anh đề xuất, trong đó bày tỏ quan ngại về việc Iran không ngăn chặn hoạt động cung cấp tên lửa cho phiến quân Houthi ở Yemen, cho rằng Iran "không tuân thủ" cơ chế trừng phạt của LHQ.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết này chỉ nhận được 11 phiếu ủng hộ, 2 phiếu trắng của Trung Quốc và Kazakhstan, với 2 phiếu chống của Bolivia và Nga. Dự thảo nghị quyết không được thông qua do Nga là thành viên thường trực của HĐBA và có quyền phủ quyết. Để được thông qua, một dự thảo nghị quyết cần phải nhận được ít nhất 9/10 phiếu ủng hộ của các thành viên không thường trực và không có bất kỳ phiếu phủ quyết nào của nhóm 5 nước thành viên thường trực trong HĐBA.
Anh đề xuất dự thảo nghị quyết trên sau khi một nhóm chuyên gia của LHQ công bố báo cáo cho rằng Iran đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Yemen, theo đó xác định rằng tên lửa mà phiến quân Houthi bắn sang Saudi Arabia hồi năm ngoái được sản xuất tại Iran. Nga phản đối dự thảo nghị quyết này với lý do những bằng chứng nêu trong báo cáo quá yếu, không đủ để biện minh việc lên án Iran. Hôm 21/2, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng dự thảo nghị quyết nên tập trung vào việc gia hạn sứ mệnh của các nhà giám sát lệnh trừng phạt đối với Yemen thay vì nhằm mục tiêu vào Iran.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi. Lượng lượng phiến quân đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận.
Tháng 12/2017, mâu thuẫn bùng phát giữa phiến quân Houthi và các lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Saleh, dẫn tới việc ông Saleh bị sát hại. Các vòng đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng. Theo LHQ, xung đột tại Yemen đã làm hơn 9.000 người thiệt mạng và hơn 50.000 người bị thương. Hiện hơn 3/4 dân số Yemen đang cần viện trợ nhân đạo và khoảng 8,4 triệu người có nguy cơ bị đói, khoảng 400.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.