Thủ lĩnh IS ở Libya Jalaluddin al-Tunisi. |
Trong một tuyên bố đưa ra vài ngày trước, IS xác nhận thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi đã chết và kêu gọi các thành viên phải giữ vững lòng trung thành, đoàn kết, cố thủ thành trì.
Hiện IS đang phải trải qua khoảng thời gian khủng hoảng, đặc biệt sau một loạt các đợt tấn công và bị đánh bại trong suốt mấy tháng qua.
Theo trang alarabiya, trong số các thành viên cấp cao còn lại, nhân vật nổi bật nhất là thủ lĩnh nhánh IS ở Libya có tên là Jalaluddin al-Tunisi. Đây được coi là một trong những cái tên quan trọng nhất có đủ năng lực để kế tục Baghdadi.
Tên thật của Jalaluddin al-Tunisi là Mohamed Ben Salem al-Ayouni, sinh năm 1982 ở vùng Masaken thuộc tỉnh Sousse (Tunisia). Hắn nhập cư đến Pháp từ những năm 1990 và đã nhập quốc tịch Pháp trước khi quay trở về Tunisia tham gia phong trào thánh chiến.
Năm 2011, hắn tới Tunisia và sau đó sang Syria gia nhập cuộc chiến. Năm 2014, Jalaluddin al-Tunisi tuyên bố gia nhập IS sau khi giết tay chỉ huy của nhóm khủng bố Ghoraba – một nhánh của IS. Sau đó, hắn trở thành thủ lĩnh của đội quân và là một trong những tay thủ lĩnh quan trọng nhất của tổ chức, cũng như rất thân cận với tên trùm sỏ Abu Bakr al-Baghdadi.
Lần đầu tiên tên này xuất hiện trên mạng truyền thông là trong một đoạn video ghi tại biên giới giữa Syria và Iraq năm 2014.
Sau những lần bị đánh bại tại Libya, đặc biệt là thành phó Sirte năm ngoái, Baghdadi đã chỉ định Jalaluddin thành “Quốc vương” của tổ chức tại Libya vì hắn tin rằng Jalaluddin có thể giành chiến thắng trong các "trận đấu" và duy trì sự hiện diện của tổ chức tại khu vực, cũng như tạo mối quan hệ tốt đẹp với một số các nhóm cực đoan khác ở Bắc Phi, như nhóm Oqba ibn Nafi, một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda, bởi vì Bắc Phi được coi là một khu vực hàng đầu mà IS kiếm tìm để mở rộng tổ chức cũng như sống sót sau khi bị sụp đổ ở Iraq.
Tình hình an ninh tại Libya hiện tại vẫn còn rất nhiều bất ổn, đặc biệt là khu vực phía nam. Nơi đây được coi là nơi ẩn náu an toàn cho phiến quân nổi dậy và các nhóm khủng bố để chúng hoạt động tự do, cơ cấu lại tổ chức, tuyển chọn và đào tạo thành viên.