Họ cho rằng có thể đây là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc các nước giàu trên thế giới tích trữ vaccine, thậm chí số liều vaccine những nước này có gấp vài lần dân số, trong khi liên tục không thực hiện cam kết chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, là cách tiếp cận "tự chuốc lấy thất bại". WHO cảnh báo hành động này có thể đang bắt đầu có tác động nghiêm trọng, cụ thể là việc xuất hiện biến thể Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn những biến thể trước đó.
Biến thể Omicron lần đầu tiên được báo cáo cho WHO là từ Nam Phi vào ngày 24/11 với tên gọi là B.1.1.529. Ngày 26/11, WHO đã xác định biến thể này là biến thể đáng quan ngại. Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron có 32 đột biến trong protein gai và hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm cao.
Theo họ, biến thể này có thể đã xuất hiện ở một khu vực khác và sau đó được phát hiện ở Nam Phi, quốc gia có khả năng giải trình tự gene tốt. Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nhận định đây có thể là hậu quả của một đợt bùng phát dịch, có khả năng đã xảy ra ở một số khu vực thuộc vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi ít có hoạt động giám sát bộ gene của virus và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo ông Head, sự xuất hiện của các biến thể mới là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".
Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, Jeremy Farrar, cho rằng sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine ngừa COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác.