Một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Địa hóa thuộc trường đại học lớn nhất Mỹ Latinh đã chỉ ra rằng, nước biển tại khu vực này có hàm lượng chì, bari, cadimi, đồng, thiếc và niken cao, nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp dầu mỏ, nông nghiệp và đánh bắt, cũng như hoạt động du lịch và xả thải từ các con sông. Chì có nguồn gốc từ xăng, trong khi bari và cadimi đến từ các hoạt động khai thác dầu như khoan bùn và sử dụng barit trong các giàn khoan ngoài khơi. Mặt khác, đồng và thiếc là hai kim loại có trong sơn tàu.
Theo thông tin từ Bộ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên (Semarnat), các rạn san hô góp phần làm giảm tác động của các hiện tượng tự nhiên như bão, cuồng phong và gió Bắc. Ngoài ra, chúng tạo ra oxy và hấp thụ khí CO2, qua đó giúp hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Hệ thống san hô Veracruz được tạo thành từ 50 rạn san hô, được coi là độc nhất vô nhị do kích thước, số lượng loài và khả năng phục hồi của các quần thể san hô. Năm 2006, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (Unesco) đã đưa hệ sinh thái này vào Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) và năm 2014 được ghi vào Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng ưu tiên quốc tế của Công ước Ramsar.
Tuy nhiên, UNAM ước tính từ năm 1966 đến nay, độ che phủ của san hô ở các bờ biển Veracruz đã giảm 40% do ô nhiễm công nghiệp và xả thải từ các sông Jamapa, Papaloapan, Actopan và La Antigua.