Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh nhiều cộng đồng ở châu Á sẽ cùng nhau tưởng niệm 20 năm xảy ra trận động đất sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ Dương vào ngày 26/12/2004.
Hai thập kỷ trước, thảm họa động đất sóng thần ở Ấn Độ Dương cướp đi sinh mạng của trên 170.000 người (trong khi nhiều tài liệu ước tính là trên 220.000 người), các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan đều chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, hiện nay 1.400 trạm cảnh báo sóng thần được lắp đặt trên toàn cầu đã giúp phát đi cảnh báo chỉ vài phút ngay sau khi sóng thần hình thành. Mặc dù vậy, hệ thống này vẫn chưa thể dự đoán được thời điểm chính xác có thể xảy ra sóng thần.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bernardo Aliaga - người đứng đầu bộ phận về khả năng phục hồi sau sóng thần tại Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) - khẳng định thế giới đã chuẩn bị tốt hơn nhiều so với năm 2004. Hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu đang giúp cứu sống nhiều người.
Các chuyên gia hy vọng người dân ở những khu vực dễ bị tổn thương có thể tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm khó lường do sóng thần gây ra. Theo ông Ardito Kodijat - người đứng đầu Trung tâm thông tin sóng thần Ấn Độ Dương, các nỗ lực quốc tế đang được tăng cường và mở rộng nhằm đảm bảo 100% cộng đồng có nguy cơ hứng chịu sóng thần được chuẩn bị sẵn sàng và chống chịu với sóng thần vào năm 2030.
Các biện pháp phòng ngừa như vậy bao gồm thông báo cho mọi người chú ý đến những âm thanh lạ sau các trận động đất trước khi sơ tán đến vùng đất cao, triển khai hệ thống phao gần các đường đứt gãy chính để phát hiện khi nào sóng thần có thể hình thành và gửi tín hiệu cảnh báo đến các trung tâm.
Tuy nhiên, các chuyên gia về đại dương lưu ý hệ thống cảnh báo sóng thần có thể giảm thiểu tác động của sóng thần song không thể ngăn chặn nguy cơ tử vong.