“Hệ thống thoát nước này chặn 1/3 lượng nước mưa rơi xuống thành phố. Chúng tôi có khoảng 34 cửa cống và tất cả lượng nước bị chặn sẽ được đưa vào hệ thống nước và đổ ra biển”, kỹ sư Alex Lau phụ trách hệ thống cho biết.
Theo thống kê của Cơ quan Dịch vụ Thoát nước Hong Kong (DSD), lượng mưa trung bình năm tại đây đạt 2.400 mm, và khoảng 80% lượng nước mưa đó chỉ rơi tập trung trong một vài tháng.
Nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt, chính quyền thành phố đã quyết tâm xây dựng một hệ thống thoát nước khổng lồ. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống tại một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới như Hong Kong không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Vốn dĩ khu vực này đã chằng chịt hệ thống thoát nước và hệ thống tàu điện ngầm, các con đường đan xen với địa hình núi gây khó khăn cho việc xây dựng.
Sau đó, chính quyền thành phố đã xây dựng một hệ thống thoát nước phía Tây chạy ngang qua những ngọn đồi phía sau thành phố, nằm sâu hơn chục mét so với mặt đất.
Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, trong thời tiết nóng ẩm, người dân Hong Kong luôn phải đối mặt với những cơn lốc xoáy và bão lớn.
Năm 1967, Hong Kong cho ra đời một hệ thống cảnh báo sớm phân loại các màu dựa trên mức độ bão, từ màu vàng đến đen. Hệ thống cảnh báo sớm này được kết nối tự động tới điện thoại di động của hàng triệu người dân sống trong khu vực. Hệ thống này cảnh báo người dân tránh di chuyển không cần thiết vị lo sợ xảy ra tai nạn trên đường hoặc gặp sạt lở đất ở những vùng đồi núi.
Khi mức báo bão được đặt ở mức báo đen, các công sở, trường học buộc phải đóng cửa do lượng mưa mỗi giờ trút xuống đạt trên 70 mm. Tuy nhiên giờ đây, nhờ hệ thống thoát nước khổng lồ, mỗi lần gặp bão lớn cấp độ đen, người dân Hong Kong không phải chịu đựng tình cảnh lũ lụt như xưa.
Cơn bão lớn nhất đổ ập vào thành phố này xuất hiện vào tháng 9/1906, cướp đi sinh mạng của gần 15.000 người, chiếm 5% tổng dân số lúc bấy giờ tại Hong Kong. Không chỉ có vậy, trong những năm 1960-1970, hàng trăm người khác cũng thiệt mạng trong những cơn bão nhiệt đới. Hàng nghìn người mất nhà cửa và thành phố phải chi hàng triệu USD để đền bù tổn thật, sửa chữa thiệt hại mỗi năm.
Từ năm 1995, chính quyền địa phương đã dành một khoản ngân sách 3,8 tỷ USD cho các dự án thoát cấp nước của thành phố, bao gồm lắp đặt cống thoát nước dài 2.400 km, 360 km kênh ở các sông, 4 hệ thống thoát nước ngầm khổng lồ trải dài 21 km và 4 bể chứa nước mưa. 11 bể khác đang trong quá trình xây dựng.
Hệ thống thoát nước phía Tây Hong Kong có kích thước lớn nhất trong 4 hệ thống của cả thành phố, chạy ngang qua các đỉnh núi và quận tài chính tấp nập Admiralty đến khu Cyberport ở bờ biển phía Tây. Điểm rộng nhất của hệ thống có đường kính 7,25 m.
Hệ thống này được thiết kế dốc từ đỉnh núi xuống để nước tự động chảy. Cửa cống xây dựng bằng bê tông có tác dụng làm chậm dòng chảy. Không có mùi hôi như nước xả thải, nước chảy trong hệ thống thoát nước này thậm chí phảng phất mùi thơm và chảy êm như nước sông.
Bên cạnh hệ thống thoát nước khổng lồ, Hong Kong còn 4 bể chứa nước mưa, trong đó lớn nhất là bể chứa dưới trường đua ngựa Happy Valley. Bể này có sức chứa lên tới 60.000 m2 nước, tương đương với 24 bể bơi tiêu chuẩn. Bể chứa này được xây dừng nhằm bảo vệ một số bất động sản đắt đỏ nhất trong thành phố, đặc biệt là trường đua, khỏi lũ lụt.
Theo dự đoán của nhà nghiên cứu Ping-Wah đang làm việc cho Trạm quan sát Khí tượng Hong Kong, “mưa do bão nhiệt đới sẽ tiếp tục tăng lên… Mực nước biển cũng tiếp tục dâng cao” do tình trạng nóng lên toàn cầu.
Kỹ sư cấp cao DSD Leung cho rằng hệ thống thoát nước của thành phố đủ để ngăn chặn ngập lụt hiện nay nhưng cảnh báo sẽ sớm bị quá tải trong tương lai. Ông khuyến cáo bên cạnh tiếp tục xây dựng những bể chứa nước mưa và hệ thống thoát nước mới, chính quyền thành phố nên điều chỉnh thiết kế cơ sở hạ tầng và kiến trúc để đối phó trước nguy cơ biến đổi khí hậu trong tương lai.
Những thiết kế này có thể bao gồm xây dựng mặt đường xốp, tạo vườn mưa hoặc trồng cây trên sân thượng các tòa nhà để thấm hút một phần nước mưa rơi, giảm tải lượng nước rơi xuống mặt đất.