Heroin 'kết nối' Mỹ với Iran

Theo những nguyên tắc địa chính trị truyền thống, các nước thường chỉ giúp đỡ đồng minh và luôn tìm cách gây phương hại cho kẻ thù. Việc tìm cách triệt hại đối phương đôi khi cũng khiến các nước phải từ bỏ lợi ích riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi lợi ích đan xen giữa các nước ngày càng lớn hơn thì tình trạng đối đầu buộc phải đặt sang một bên những bất đồng để cùng chia sẻ lợi ích chung. 

Đây là điều đang được minh chứng trong quan hệ Mỹ - Iran. Mỹ đang thực hiện những bước đi thận trọng trong đàm phán với Iran sau 35 năm thù địch. Rất nhiều chính trị gia ở Washington vẫn coi Iran là hiện hữu của tội ác và không thể trở thành đối tác. Nhưng Iran và Mỹ đang chia sẻ một thách thức vô cùng lớn mà không nước nào có thể giải quyết đơn độc: tình trạng lạm dụng ma túy.

Một nhân viên an ninh Mỹ di chuyển qua cánh đồng trồng cây thuốc phiện ở Lashkar Gah, tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan.


Tình trạng số người lạm dụng heroin và chết do sử dụng ma túy quá liều gia tăng nhanh chóng đang là vấn đề gây bức bối trên chính trường Mỹ. Thống đốc bang Vermont là Peter Shumlin đã dành toàn bộ thông điệp bang năm 2014 để nói về tình trạng Vermont bị “cuộc khủng hoảng heroin quét qua”. Thượng nghị sỹ Edward Markey của bang Masshchusetts đánh giá “nạn nghiện heroin đang tăng siêu tốc”. Chánh án bang Ohio là Mike DeWine, nơi có 900 người chết vì sử dụng ma túy quá liều năm ngoái, cho biết heroin “đang giết chết người dân Ohio ở mức kỷ lục”. Từ bang Philadelphia tới Miami, từ Bắc Kentucky tới Nam Louisiana, ma túy đang gây ra những thảm họa ở mức báo động.

Không chỉ Mỹ, Iran cũng đang phải chứng kiến những hậu quả do ma túy gây ra. Iran được xem là nước có nạn nghiện ma túy tồi tệ nhất trên thế giới. Có khoảng 4 triệu trong số 70 triệu người dân Iran nghiện ma túy. Sử dụng ma túy quá liều là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai sau tai nạn giao thông. Một nửa số tù nhân bị kết án do có liên quan tới vấn đề ma túy.

Các chuyên gia cho biết người dân Iran nghiện ma túy một phần là do muốn thoát khỏi tuyệt vọng về thất nghiệp và kinh tế khó khăn, một phần vì rượu, loại thức uống bất hợp pháp ở đất nước này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dễ nhận biết là do Iran có chung biên giới với Afghanistan, nơi sản xuất phần lớn ma túy của thế giới.

Iran đã đơn độc thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn nguồn ma túy thẩm thấu từ biên giới chung với Afghanistan. Quân đội Iran thường xuyên tiến hành tuần tra biên giới, có hàng trăm binh lính đã bị giết bởi những kẻ buôn lậu ma túy trong những năm gần đây, và cảnh sát Iran bắt nhiều ma túy hơn bất kỳ lực lượng cảnh sát của nước nào. Cách duy nhất khiến nguồn cung ma túy có thể giảm đáng kể là có những nỗ lực từ phía Afghanistan.

Iran có mối quan hệ lâu dài và sâu sắc với Afghanistan. Hầu hết khu vực phía Tây Afghanistan từng thuộc về Iran và người dân ở đây nói tiếng Dari, ngôn ngữ gần gũi với Farsi (ngôn ngữ chính của Iran). Iran là đối tác thiết yếu trong bất kỳ kế hoạch nào hướng tới mục tiêu thay đổi Afghanistan. Nhưng do sự thù địch về chính trị, Mỹ đã loại bỏ Iran khỏi rất nhiều nỗ lực đa phương trong vấn đề Afghanistan. Nguyên nhân là vì Mỹ cho rằng việc Iran muốn gây ảnh hưởng ở khu vực Trung Á chồng lấn với các lợi ích của Mỹ ở đây.

Hầu hết heroin sử dụng tại Mỹ đến từ Mexico nhưng nguồn cung khổng lồ xuất phát từ Afghanistan phá giá thị trường ma túy thế giới và khiến cho việc chi trả để mua ma túy ở Mỹ dễ dàng hơn. Nếu loại bỏ được nguồn cung này có thể đóng góp vào ổn định toàn cầu, ngăn chặn tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tạo cơ sở cho Mỹ và Iran xây dựng niềm tin để làm việc cùng nhau trong các vấn đề mang tính cấp bách mà không liên quan tới chính trị.

Thảm họa nghiện ma túy ở Mỹ và Iran liên quan chặt chẽ tới vấn đề Afghanistan. Điều này có nghĩa hai nước không thể tách rời với những gì Mỹ đang thực hiện ở Afghanistan. Năm 2001, khi Mỹ tấn công Afghanistan, nước này sản xuất 1 tấn heroin. Vào năm ngoái, khối lượng này là 5,5 tấn. Sự thật này được phát hiện ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tiêu 2 tỷ USD để chống ma túy. Không một đánh giá nào về cuộc chiến Afghanistan kết thúc mà không kèm theo những con số thống kê khốc liệt này.

Bởi vì Iran hiểu rõ về Afghanistan hơn cả Mỹ nên biến Iran thành đối tác trong nỗ lực dài hạn để thay đổi nền nông nghiệp Afghanistan là điều Mỹ cân nhắc. Một nước khác trong khu vực cũng có lý do để cùng Mỹ giải quyết vấn đề ma túy ở Afghanistan là Nga, nơi có hàng triệu người nghiện ngập và ma túy quá liều giết hơn 100  người mỗi ngày, hầu hết là người trẻ tuổi. Đây không chỉ là một vấn đề lớn về sức khỏe và an toàn của cộng đồng mà còn là cơ hội cho Mỹ hợp tác với hai nước được cho là thù địch.

Trong dài hạn, việc thể hiện cho các nước thấy Mỹ quan tâm tới người người dân ở các nước được cho là thù địch hơn là để ý tới thể chế chính trị ở nước đó có thể mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ. Xâm lược và không kích chỉ cho thế giới thấy hình ảnh tồi tệ của nước Mỹ. Cựu thủ tướng nước Anh Lord Palmerston từng phát biểu rằng “không có đồng minh vĩnh viễn và không có kẻ thù vĩnh viễn”, do vậy nước Mỹ có thể gạt bỏ sang một bên những bất đồng để hợp tác với Iran và thậm chí với Nga để cùng giải quyết vấn nạn ma túy tại Afghanistan. Sự hợp tác không chỉ giúp Mỹ xoa dịu nỗi đau đang gây nhức nhối cho toàn xã hội Mỹ mà cho cả thế giới.


Đức Trung  (Theo Boston Globe)

Mỹ dọa trừng phạt nếu Iran ký hợp đồng dầu lửa với Nga
Mỹ dọa trừng phạt nếu Iran ký hợp đồng dầu lửa với Nga

Washington có thể sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế nếu Iran và Nga ký kết một hợp đồng mua bán trao đổi dầu lửa. Đây là phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 8/4 về thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN