Hết dịch lại đến mưa lũ, người dân Trung Quốc méo mặt vì giá thực phẩm leo thang

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá thực phẩm tại nước này trong tháng 6 năm nay tăng 11,1% so với thời điểm 1 năm trước đó.

Chú thích ảnh
Nhân viên đeo khẩu trang dỡ hàng tại chợ đầu mối nông sản ở thủ đô Bắc Kinh ngày 19/2. Ảnh: Reuters

Giới phân tích cho rằng giá thực phẩm leo thang chỉ là một trong nhiều thách thức mới mà Trung Quốc đang phải đối mặt khi vừa phải chống chọi với đại dịch COVID-19 vừa phải xử lý tình trạng ngập lụt nghiêm trọng do mưa lũ kéo dài.

Dẫn dữ liệu tuần do Bộ Thương mại công bố, hãng tin CNBC cho biết giá nông sản trong tuần đầu của tháng 7 tăng 1,2% so với tuần cuối cùng của tháng 6. Tính đến ngày 12/7 vừa qua, giá của các mặt hàng này cũng tăng thêm 0,8% so với tuần trước đó. 

Giới chức được cho là đang theo dõi sát sao giá cả thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu vì đây là một những yếu tố then chốt duy trì sự ổn định của xã hội.

Trong nửa đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và thức uống lao đao. Tổng cộng 105.800 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, trong đó hơn 70% doanh nghiệp đóng cửa trong quý II. Dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi thói quen ăn uống của người dân Trung Quốc, khiến nhiều người thay vì gọi đồ ăn hoặc đi ăn ngoài giờ đây lựa chọn tự nấu tại nhà.

“Tình trạng tăng giá thực phẩm thực sự diễn ra, chủ yếu xuất phát từ nguyên do nguồn cấp giảm trong khi nhu cầu lại tăng. Xu hướng này lại tiếp tục xảy ra khi chúng ta đang trải qua một đợt thảm họa thiên nhiên khác – lũ lụt tại miền nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nguyên liệu thô và sớm tác động đến thị trường và người tiêu dùng”, Gao Huan – một giám đốc cấp cao chuyên về sản xuất và bán lẻ thuộc công ty tư vấn Alvarez & Marsal trụ sở ở Băc Kinh – trả lời phỏng vấn ngày 13/7.

Chú thích ảnh
Sơ tán người dân khỏi các khu vực ngập lụt ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 8/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình trạng mưa lũ nghiêm trọng tại các tỉnh miền nam, được miêu tả là trận lũ tồi tệ nhất kể từ năm 1998, đã khiến ít nhất 141 người thiệt mạng và mất tích. Theo truyền thông nhà nước, mùa lũ năm nay đã tác động trực tiếp khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 86 tỷ nhân dân tệ (12,3 tỷ USD), trong đó có khoảng 29.000 ngôi nhà bị tàn phá và trên 2,24 triệu người phải sơ tán khẩn cấp. Cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình miêu tả tình trạng lũ lụt là rất “khốc liệt” và các hoạt động phản ứng đang bước vào “giai đoạn tối quan trọng”.

Trong một báo cáo tuần trước, cac nhà phân tích thuộc công ty môi giới Nanhua Futures trụ sở ở Hàng Châu nhận định tác động của mưa lũ tới giá cả thực phẩm chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, lũ lụt sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động chăn nuôi và sản xuất thịt lợn.

Chú thích ảnh
Một trang trại nuôi lợn ở huyện Yiyang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 18 tháng qua, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi do dịch tả lợn châu Phi. Giá thịt lớn tiếp tục tăng trong tháng 6, tăng 81,6% so với một năm trước đó. Mặc dù Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thực phẩm nước ngoài như số lượng thịt lợn nhập khẩu tăng 140%, thịt bò tăng 42,9% và đậu nành tăng 17,9% so với thời điểm năm ngoái, song giá thịt lợn trong nước vẫn cao.

Giá thịt lợn nói riêng và giá thực phẩm nói chung đã đẩy cao chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc – một thước đo tình trạng lạm phát, đang từ 2,4% trong tháng 5 lên 2,5% trong tháng 6.

Tuy nhiên, theo dự đoán đầy lạc quan của ông Zong Liang – trưởng ban nghiên cứu tại Ngân hàng Trung Quốc, xu hướng tăng giá thực phẩm chỉ là tình trạng ngắn hạn. “Quá trình thị trường phục hồi sẽ tương đối ổn định”, ông Zong cho hay.

Về phía các doanh nghiệp hay nhà hàng, chuyên gia Gao cho hay những cơ sở này cần phải sáng tạo hơn, cải tiến hơ để sống sót trong nền kinh tế hậu COVID-19, bằng cách áp dụng những chiến lược như quảng báo các kênh bán hàng trực tuyến hay tạo được niềm tin về chất lượng sản phẩm và độ an toàn cho khách lựa chọn ra ngoài ăn.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Lũ lụt tiếp tục hoành hành tại Nhật Bản và Trung Quốc
Lũ lụt tiếp tục hoành hành tại Nhật Bản và Trung Quốc

Đã có ít nhất 54 công trình văn hóa, gồm cả các di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, đã bị hư hại do mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng lũ lụt và lở đất ở khu vực Kyushu, Tây Nam Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN