Vị giám đốc Viện nghiên cứu tầng băng vĩnh cửu Melnikov nhận ra một điều hiếm hoi trong mùa Hè này, đó là bầu trời thành phố lạnh nhất thế giới không còn chìm trong những đám khói màu cam độc hại từ những đám cháy rừng vốn ngày một nhiều trong suốt 3 năm qua.
Ở Yakutia, nhiều người tin rằng thiên nhiên là một linh hồn sống luôn hiền hòa với loài người. Tuy nhiên, những gì đã và đang xảy ra trong 2 năm gần đây khiến Fyodorov cho rằng tin như vậy là sai lầm, thực tế đang nhắc nhở loài người không nên phó thác cho thiên nhiên mà cần phải chuẩn bị.
Yakutia, nằm sát biển Nam cực, bên trên một tầng băng vĩnh cửu với diện tích gần gấp 5 lần diện tích của nước Pháp. Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nhiệt độ trung bình mỗi năm tại vùng này lại tăng 3 độ C, cao hơn 2 độ C so với mức trung bình toàn thế giới. Mùa Hè này, Yakutia có những ngày ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 39 độ C. Mùa Hè năm nay được cho là mùa khô hạn nhất trong 150 năm qua tại Yakutia, dẫn tới các đám cháy thiêu rụi 1,5 triệu ha rừng cây lá kim (rừng taiga) đặc trưng của vùng này.
Chuyên gia Alexander Isayev từ Viện Khoa học Nga ở Yakutsk, cho biết vùng này đang ghi nhận số lượng các đám cháy cao chưa từng thấy. Dù rất khó để liên hệ thực trạng các đám cháy rừng với hiện tượng biến đổi khí hậu, nhưng các chuyên gia đều cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu khiến các đám cháy xảy ra nhiều hơn trong khi các đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng hơn cũng khiến nhiều khu vực trở nên khô cằn, tạo điều kiện bùng phát các đám cháy.
Phải hơn 1 tháng nữa mới qua mùa cháy rừng ở Siberia, giới chức khu vực đang nỗ lực tìm cách dập tắt các đám cháy, điều động binh lính và huy động các thiết bị tạo mưa để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, ở Yakutia, với dân số chưa đến 1 triệu người, chỉ có khoảng vài nghìn lính cứu hỏa và các tình nguyện viên địa phương tham gia dập lửa. Nikita Andreyev, quan chức huyện Gorniy nhận định đây là các đám cháy lớn nhất tại Yakutia trong mùa cháy rừng năm nay và họ không có đủ nhân lực và vật lực để ứng phó. Ngày 10/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu giới chức liên quan triển khai lực lượng tiếp viện nhằm khống chế các đám cháy rừng đang bùng phát mạnh ở đây.
Theo Bộ Lâm nghiệp Nga, hơn 11,5 triệu ha rừng trên cả nước đã bị thiêu rụi kể từ đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình hằng năm tính từ năm 2000 là 8,9 triệu ha. Giám đốc đơn vị giám sát cháy rừng của Greenpeace tại Nga, Grigory Kuksin, cho biết từ Siberia đến Urals và vùng Karelia ở Tây Bắc đều xảy ra những đám cháy bất thường . Đặc điểm chung của những khu vực này là nhiệt độ và mức độ khô hạn trên thực tế cao hơn dự đoán. Chuyên gia này cho rằng đó rõ ràng là tác động của biến đổi khí hậu.
Chuyên gia Fyodorov cảnh báo các đám cháy không chỉ gây ra một lượng lớn khí carbon thải ra bầu khí quyển và phá hủy những cánh rừng vốn là các thảm thực vật hấp thu lượng lớn khí thải carbon độc hại, mà còn dần dần làm tan lớp băng vĩnh cửu bên dưới Yakutia vốn đã bắt đầu mòn dần. Các tầng băng vĩnh cửu vốn là những nơi đang “bảo quản” lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao gấp đôi lượng hiện có trong khí quyển. Do đó, nếu tầng băng này tan chảy sẽ gây ra một thảm hỏa khí thải làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Để bảo vệ môi sinh hiện tại và gìn giữ cho tương lai, nhiều người dân địa phương đã tình nguyện tham gia các nỗ lực dập lửa. Trong những giờ giải lao, họ cũng thực hiện các nghi lễ cầu mưa. Tuy nhiên, dù Yakutia cũng đã có những cơn mưa nặng hạt thì cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó mưa tạnh lại nhường chỗ cho các đợt nắng nóng và gió mạnh. Lực lượng cứu hỏa cũng luôn trong trạng thái chuẩn bị trực chiến khi các đám cháy bùng phát trở lại.