Mặc dù thừa nhận những hiệu quả ban đầu trong việc ứng dụng AI trên thực tế, đặc biệt trong công tác dự báo thiên tai, song nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về những rủi ro và thách thức đi kèm, đặc biệt trong cuộc đua phát triển "trí tuệ nhân tạo tổng hợp" (AGI). Các chuyên gia đưa ra dự đoán mốc thời gian để AGI "ra mắt" công chúng mà một trong những dự đoán là vào năm 2029.
Tại một buổi hội thảo về AI trong khuôn khổ "South by Southwest", ông Ben Goertzel, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này, dự đoán AGI có thể trở thành hiện thực vào năm 2029. Ông nhấn mạnh tiềm năng AGI vượt xa khả năng nhận thức của con người do khả năng sửa đổi mã nguồn của chính nó. Ông ủng hộ việc phát triển AGI và tích hợp mô hình này vào các robot hình người.
Khái niệm về AI, với các thuật toán có khả năng tự động hóa các nhiệm vụ và phân tích dữ liệu ở quy mô lớn, đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ qua. Thế nhưng, sự thành công của công cụ trò chuyện (chatbot) ChatGPT đã khiến cả thế giới sửng sốt về tiềm năng của AI cũng như làm thay đổi nhận thức của con người về công nghệ này. Đây là một mô hình AI tạo sinh do OpenAI phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022.
OpenAI là một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực AI được Microsoft tài trợ. Ông Sam Altman - Giám đốc điều hành (CEO) của OpenAI - cho biết, công ty đặt mục tiêu tạo ra AGI, được kỳ vọng sẽ vượt qua trí thông minh của con người và có tác động tích cực đến nhân loại. Tại sự kiện "South by Southwest", các cuộc thảo luận tập trung vào câu hỏi "khi nào" phát triển được AGI, thay vì câu hỏi "liệu" có thể phát triển được mô hình này hay không.
Trong khi đó, tại một phiên thảo luận khác, một số ý kiến đã tập trung vào những lợi ích và thách thức liên quan đến AI. Bà Simi Olabisi – đại diện của Tập đoàn Microsoft (Mỹ), đã ca ngợi những lợi ích của công nghệ Azure, dịch vụ đám mây của tập đoàn. Bà giải thích rằng khi sử dụng tính năng ngôn ngữ của AI từ Azure tại các tổng đài, tính năng này có thể thực sự nắm bắt và cho doanh nghiệp biết được cảm xúc của khách hàng.
Còn Giáo sư Michael Littman chuyên về khoa học máy tính từ Đại học Brown (Mỹ) cho rằng, những cá nhân đam mê lĩnh vực AI đang đánh cược rằng công nghệ này sẽ giúp giải quyết các vấn đề lớn nhất của con người, từ chiến tranh đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trên thực tế đây là những tham vọng không khả thi tại thời điểm hiện tại. Giáo sư Littman cho rằng đây là một giấc mơ viển vông, giải thích rằng hầu hết những thứ mà mọi người đang thực hiện là cố gắng tạo cho AI khả năng xử lý các vấn đề mà con người đã tìm ra giải pháp, nhưng mong muốn AI sẽ đưa ra phương thức hiệu quả hơn.
Cùng thảo luận về những lợi ích và thách thức tiềm ẩn của những mô hình AI có tính năng vượt trội, ông David Hanson - người sáng lập Hanson Robotics, cho rằng mặc dù những mô hình như vậy có thể giải quyết các vấn đề bền vững toàn cầu nhưng vẫn có những lo ngại về tác động tiêu cực tiềm tàng của nó và việc sử dụng công nghệ đó một cách có trách nhiệm.