Theo hãng tin Anh Reuters, EU không chỉ “hoan nghênh những bước tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề về lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về thương lượng tập thể cũng như kế hoạch thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tiếp theo vào mùa Thu năm 2019”, mà còn về “Kế hoạch của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về việc trình Công ước 105 và 87 của ILO lên Quốc hội Việt Nam để tiến hành thủ tục phê chuẩn các công ước này vào các năm tương ứng là 2020 và 2023”.
Tờ New York Times của Mỹ cũng nhận định với việc ký kết EVFTA và EVIPA với Việt Nam, EU đã khẳng định cam kết của khối này đối với việc mở cửa thị trường và thương mại tự do khi phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại trên toàn thế giới.
Sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU bị phá vỡ vào cuối năm 2016, Tổng thống Donal Trump tuyên bố sẽ bảo vệ công nhân và hàng hóa của Mỹ. Về phần mình, EU đã trở nên quyết đoán hơn trong việc đạt các thỏa thuận thương mại tự do với các nước trên toàn thế giới.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, EU đã hoàn tất các hiệp định thương mại với 15 quốc gia. Ông nói: “Ngày nay, châu Âu được hưởng lợi từ thương mại mở với 72 nước và cần G20 để cải thiện hợp tác kinh tế giữa EU và các nước”.
Trước đó, EU và khối các nước Nam Mỹ đã ký một thỏa thuận thương mại tự do sau hai thập kỷ đàm phán. Ở châu Á, EU đã ký thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore và đang tiến hành đàm phán với Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Thỏa thuận Singapore sẽ có hiệu lực trong năm nay.