Đến nay, RCEP đã có hiệu lực đối với 14/15 thành viên. RCEP - gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Cuối tháng 8/2022, Quốc hội Indonesia đã chính thức phê chuẩn Hiệp định RCEP. Thông qua RCEP, nước này có cơ hội mở rộng và làm gia tăng chuỗi giá trị khu vực, các công ty xuất khẩu của Indonesia sẽ thu được giá trị lớn hơn từ các hoạt động xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Indonesia, giúp xóa bỏ nhiều rào cản đối với thương mại dịch vụ, các quy định về thương mại sẽ được đơn giản hóa và đảm bảo sự đồng nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thu hẹp khoảng các phát triển thông qua hợp tác kỹ thuật và kinh tế.
Các quy định mới của Indonesia về xuất xứ hàng hóa và ban hành tài liệu xuất xứ hàng hóa xuất khẩu từ Indonesia đã được áp dụng từ ngày 2/1/2023, như một phần của việc thực hiện thỏa thuận RCEP.
Các ngành kinh doanh ở Indonesia cũng có thể lựa chọn một trong 2 loại tài liệu, gồm giấy chứng nhận xuất xứ và tờ khai xuất xứ ghi rõ “mức thuế ưu đãi”. Hai tài liệu này có thể được ban hành một cách độc lập.
Trước đó, ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết các quy định mới này xác định rõ thủ tục để có được chứng nhận xuất xứ hàng hóa được xuất khẩu từ nước Đông Nam Á này. Theo ông Hasan, “quy định mới này phù hợp với cam kết thương mại được RCEP tạo thuận lợi thực thi. Các ngành kinh doanh sẽ được hưởng lợi từ biện pháp này theo RCEP”.
Ông Hasan cho rằng “hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh và củng cố mạng lưới sản xuất toàn cầu, thúc đẩy các chuỗi cung ứng khu vực bằng cách tăng cường tiếp cận thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa và dịch vụ, giảm hoặc dỡ bỏ các rào cản thương mại và tăng cường chuyển giao công nghệ trong khu vực này”.