Đây là trường hợp mới nhất của cuộc đối đầu giữa các “ông lớn” mạng xã hội như Google hay Facebook với các quốc gia. Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi bùng lên cuộc tranh cãi tương tự giữa Chính phủ Australia và mạng Facebook.
Theo truyền thông Ấn Độ, Hiệp hội Báo chí Ấn Độ (Indian Newspaper Society) ngày 25/2 đã yêu cầu Google phải chia sẻ 85% doanh thu quảng cáo có được nhờ hoạt động xuất bản tại Ấn Độ.
Trong lá thư gửi Google, Hiệp hội Báo chí Ấn Độ nêu rõ: “Vì nội dung được sản xuất và xuất bản, với chi phí đáng kể, của các tờ báo là độc quyền, những nội dung này đã mang lại vị thế cho Google ngay từ khi vào Ấn Độ”.
Cáo buộc Google đã lấy mất “miếng bánh khổng lồ” từ nguồn thu quảng cáo, INS nhấn mạnh các tờ báo tại Ấn Độ đã bị thiệt hại những khoản tiền rất lớn. INS cũng cho rằng nếu Google trả phí cho các tổ chức báo chí Ấn Độ khi sử dụng những thông tin đáng tin cậy, thì vấn đề tin giả hay tai sai sẽ không xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội này.
Được thành lập năm 1939, INS hoạt động với tư cách là tổ chức trung tâm của ngành báo chí Ấn Độ, một tổ chức độc lập đại diện cho khoảng 800 cơ quan, tổ chức báo chí của quốc gia Nam Á này. INS đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do báo chí ở Ấn Độ.
Hiện Google chưa bình luận gì về yêu cầu của Hiệp hội Báo chí Ấn Độ.
Hiện nay, một số nước và khu vực đang có xung đột với Facebook, Google trong lĩnh vực truyền thông, tin tức, trong đó có Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và gần đây nhất là Australia.
Ngày 25/2, Australia đã thông qua luật nhằm buộc các nền tảng mạng xã hội hoạt động tại nước này phải trả phí cho việc khai thác, sử dụng thông tin.
Điều luật trên được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của các đảng phái tại Australia, sau khi chính phủ nước này đưa ra những điều chỉnh vào phút chót sau việc mạng xã hội Facebook ngăn chặn chức năng chia sẻ thông tin tại Australia.
Đây là điều luật đầu tiên trên thế giới bắt Google và Facebook phải trả phí cho các hãng tin, tòa soạn báo, công ty truyền thông một khi các nền tảng mạng này khai thác sử dụng thông tin của họ.
Theo luật vừa được thông qua, có tên chính thức là Luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông, Google và Facebook cần phải đàm phán các thỏa thuận bản quyền với đơn vị cung cấp thông tin xuất hiện trên mạng xã hội của các ông lớn công nghệ này.
Mục đích của luật là tạo ra khuôn khổ cho việc đàm phán bình đẳng giữa các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu, vốn được coi là có sức mạnh thị trường lớn hơn hẳn so với các hãng tin tức nội địa, thông qua đó buộc các công ty đó, trước hết Google và Facebook, trả tiền cho nội dung tin tức của các tổ chức báo chí nội địa xuất hiện trên các nền tảng công nghệ. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hoạt động báo chí ở Australia ngày càng gặp nhiều khó khăn do bị mất các nguồn thu quảng cáo vào tay các công ty công nghệ.
Thực trạng Facebook và Google lâu nay sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông Canada mà không hề trả phí và đây được cho là nguyên nhân dẫn đến "những cái chết hàng loạt" trong làng truyền thông của Canada.
Trong một thập niên qua, hơn 250 tờ báo của Canada đã phải đóng cửa. Hiện đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, buộc những tờ báo vốn đã phải vật lộn với khó khăn trong thời gian dài trước đó, phải thu gọn bộ máy nhân lực.
Một ngày sau khi luật trên được thông qua, Facebook đã khôi phục nội dung trên các trang của các hãng truyền thông Australia trên nền tảng xã hội này sau hơn một tuần bị gián đoạn do bất đồng với Chính phủ Australia.