Các nhà nghiên cứu Israel đã xem xét dữ liệu của 1,3 triệu người từ 60 tuổi trở lên được lấy từ cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế nước này từ ngày 10/1 đến 2/3 - giai đoạn Omicron trở thành biến thể chính làm gia tăng số ca mắc COVID-19. Kết quả cho thấy ở những người đã tiêm mũi tăng cường thứ hai, khả năng không bị nhiễm bệnh có dấu hiệu giảm 4 tuần sau khi tiêm, trong khi khả năng ngăn bệnh trở nặng không thay đổi trong vòng 6 tuần sau khi tiêm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần tiến hành thêm nghiên cứu để đánh giá về khả năng bảo vệ dài hạn của vaccine này.
Kết quả nghiên cứu này được công bố trước cuộc họp ngày 6/4 của các quan chức Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ, thảo luận về sự cần thiết của các mũi tiêm tăng cường bổ sung. Tuần trước, Mỹ đã phê duyệt tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho những người từ 50 tuổi trở lên trong bối cảnh biến thể BA.2 của Omicron, còn gọi là "biến thể Omicron tàng hình", đang lây lan ở nước này.
Trong khi đó, các bộ trưởng y tế châu Âu cũng thúc giục chính phủ nước họ phê chuẩn việc tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người từ 60 tuổi trở lên.
Tại châu Á, Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai vào tháng 3 trong khi Singapore thông báo kế hoạch tiêm cho người từ 80 tuổi trở lên.
Theo một nghiên cứu khác của Israel công bố tháng trước, những người cao tuổi tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai của hãng Pfizer/BioNTech có tỷ lệ tử vong thấp hơn tới 78% so với những người chỉ tiêm mũi vaccine tăng cường thứ nhất.