Mảnh vỡ máy bay được phát hiện trên núi Dena, phía nam Iran. Ảnh: AP |
Chiếc máy bay thương mại của Hãng hàng không Aseman Airlines (Iran) chở 65 hành khách và thành viên phi hành đoàn ngày 18/2 biến mất khỏi màn hình radar sau 50 phút cất cánh. Chuyến bay này dự kiến đi từ thủ đô Tehran tới thành phố phía Tây Nam Yasuj.
Theo giới chức Iran, chiếc máy bay chở khách đã đâm vào một đỉnh núi. Đội cứu hộ đầu tiên tiếp cận nơi tìm thấy mảnh vỡ máy bay ngày 20/2 thông báo không còn ai trên máy bay sống sót. Phần lớn các thi thể nạn nhân bị chôn vùi dưới tuyết. Quân đội Iran cũng đã khoanh vùng, xác định vị trí mảnh vỡ máy bay rơi tại một vùng núi thuộc tỉnh Iashan ở miền Trung nước này.
Đây được coi là những hình ảnh đầu tiên ghi lại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AFP |
Trực thăng cứu hộ được huy động tham gia công tác tìm kiếm mảnh vỡ máy bay và thi thể nạn nhân xấu số. Ảnh: AFP |
Hãng thông tấn Tasnim trích lời một quan chức thuộc Hội chữ thập đỏ Iran: “Chỉ có một phần nhỏ của chiếc máy bay được phát hiện, phần còn lại bị chôn vùi sâu dưới tuyết… Đội cứu hộ cũng mới chỉ phát hiện ra 30 thi thể trên mặt đất. Chiếc máy bay đâm trúng đỉnh núi trước khi trượt xuống 30 mét”.
Thời tiết khắc nghiệt cùng với địa hình núi hiểm trở (độ cao trên 4.500 m) là hai nguyên nhân chính cản trở nỗ lực của lực lượng cứu hộ và tìm kiếm tiếp cận nơi máy bay rơi. Hiện tại, tổng cộng 7 trực thăng, gần 100 nhân viên cứu hộ và người leo núi, vẫn đang tiếp tục công tác tìm kiếm trong khu vực.
Hiện có khoảng 100 nhân viên cứu hộ và người leo núi tiếp tục công tác tìm kiếm. Ảnh: AFP |
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng địa hình núi hiểm trở khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn. Ảnh: AFP |
Chiếc máy bay ATR 72 hai động cơ xấu số có tuổi đời 24 năm. Theo dữ liệu lấy từ trang web an toàn hàng không của Hiệp hội An toàn Chuyến bay, chiếc máy bay này vừa mới đi vào hoạt động trở lại 3 tháng sau 6 năm để trong kho.
Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, Iran chứng kiến một vài vụ rơi máy bay thảm khốc. Chính quyền Tehran đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn cản nước này nhập khẩu máy bay hoặc các bộ phận thay thế mới.
Trước đó, vào năm 2011, một máy bay Boeing 727 đã rơi tại phía Tây Bắc Iran khiến 78 người thiệt mạng. Năm 2009, toàn bộ 1 người trên chuyến bay của hãng Caspian Airlines cũng thiệt mạng khi máy bay Tupolev của hãng rơi trên đường tới Armenia.