Hình ảnh vệ tinh chụp hồ Urmia. |
Trước khi trở thành “hồ máu”, hồ Urmia là một điểm đến hấp dẫn thu hút rất nhiều khách du lịch và các loài chim di cư. Đây còn là nơi sinh sống lớn nhất thế giới của loài tôm nước mặn. Tuy nhiên, sau đó vì mực nước trong hồ thấp trong khi nồng độ mặn lại quá cao, loài tôm này không còn cơ hội để sinh sôi và phát triển.
Trước thực trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài cùng với nhu cầu sử dụng nước cho tưới tiêu nông nghiệp không ngừng tăng cao, hồ Urmia ngày càng trở nên khô cạn. Chỉ trong vòng 14 năm qua hồ Urmia đã mất gần 70% diện tích bề mặt.
Với nồng độ muối trong nước hồ tăng, môi trường của hồ Urmia là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản của tảo Dunaliella salina. Nhà khoa học Mohammad Tourian đến từ trường Đại học Stuttgart cho biết tảo Dunaliella salina trong môi trường có nồng độ muối cao kết hợp với cường độ ánh sáng mạnh sẽ chuyển từ màu xanh sang đỏ. Hiện tượng này nguyên do từ sự xuất hiện của chất tự bảo vệ carotenoid trong tế bào tảo.
Bên cạnh đó, nhóm các loài vi khuẩn có tên khoa học là Halobacteriaceae cũng là một trong những tác nhân gây ra hiện tượng “hồ máu”. Loài vi sinh vật ưa nước mặn này sử dụng chất màu đỏ để hấp thụ và chuyển hóa ánh sáng mặt trời thành năng lượng.
Hossein Akhani, nhà sinh vật học đang nghiên cứu tại trường Đại học Tehran nhận xét với tình trạng sử dụng đất và tiêu thụ nước như hiện nay, hồ Urmia có thể sẽ hoàn toàn biến mất trong một tương lai không xa.