Trao đổi với phóng viên hãng thông tấn ISNA của Iran, quan chức phụ trách các vùng đầm lầy thuộc Bộ Môi trường Iran Arezoo Ashrafizadeh nêu rõ nếu không có nước và các kế hoạch (khôi phục hồ Urmia) đã được phê duyệt nhưng không được hiện thực hóa, hồ Urmia sẽ cạn nước hoàn toàn và không có hy vọng phục hồi. Bà nhấn mạnh, để khôi phục hồ, cơ quan chức năng cần phải ngừng mọi hoạt động xây dựng các con đập mới và thực hiện các biện pháp nhằm "chấm dứt hoạt động sản xuất nông nghiệp".
Bà Ashrafizadeh đưa ra cảnh báo trên 4 năm sau khi chương trình phục hồi hồ Urmia do Chính phủ Nhật Bản tài trợ đã làm dấy lên hy vọng khôi phục hồ từng một thời là hồ nước lớn nhất Trung Đông này và tránh được một trong những thảm họa sinh thái tồi tệ nhất trong những thập kỷ gần đây.
Nằm trên các dãy núi ở phía Tây Bắc Iran, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hồ Urmia được coi có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Liên hợp quốc về các vùng đất ngập nước được ký tại thành phố Ramsar của Iran vào năm 1971. Hồ Urmia không có nhánh chảy ra biển và diện tích hồ trước đây có được là nhờ lượng nước chảy vào bằng hoặc cao hơn so với lượng nước hồ mà con người sử dụng hoặc bị bốc hơi.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNDP), hồ Urmia từng rộng 5.000 km2 và kể từ năm 1995 đến nay, diện tích hồ đang thu hẹp dần do nhiều nguyên nhân như nhiệt độ tăng, lượng mưa giảm, hoạt động xây đập và sử dụng nước quá nhiều cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hồ cạn nước đe dọa tới môi trường sống của các loài tôm, chim hồng hạc, hươu và cừu núi, đồng thời gây ra những cơn bão muối gây ô nhiễm cho các thành phố và nông trại gần đó. Bà Ashrafizadeh cho biết Urmia chưa cạn khô hoàn toàn, song diện tích hồ hiện chỉ còn 1.000 km2.
Năm 2013, Iran và UNDP đã tiến hành chiến dịch cứu hồ Urmia với nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Kế hoạch này đã mang lại một số thành công khi diện tích hồ tăng lên tới 2.300 km2 vào năm 2017 trước khi bắt đầu thu hẹp trở lại do hạn hán kéo dài.
Iran hiện đang chứng kiến những đợt khô hạn thường xuyên và tình hình này sẽ trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.