Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Các cuộc đàm phán về việc tích nước và vận hành đập GERD đã được nối lại vào chiều 27/7 theo đề nghị của Nam Phi, quốc gia hiện đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU). Tuy nhiên, tiến trình đàm phán ba bên giữa Sudan, Ai Cập và Ethiopia đã tạm hoãn theo yêu cầu của Sudan để tiến hành tham vấn thêm. AU sẽ chủ trì các cuộc đàm phán này vào ngày 3/8 tới".
Theo tuyên bố, trong quá trình đàm phán, Bộ trưởng Nguồn nước và Tưới tiêu Sudan Yasir Abbas đã bày tỏ nghi ngại về động thái của Ethiopia đơn phương bắt đầu tích nước cho đập GERD trước khi đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc giữa 3 quốc gia.
Bộ trưởng Abbas cho rằng động thái trên của Ethiopia là "một tiền lệ xấu, đáng quan ngại" trong hợp tác giữa ba nước, do đó, ông hối thúc soạn thảo một chương trình nghị sự cụ thể cho toàn bộ tiến trình đàm phán dựa trên nội dung đã được thống nhất, cũng như đưa ra các điều khoản rõ ràng trong trao đổi thông tin và báo cáo giữa tất cả các bên liên quan.
Cùng chung quan điểm, Bộ Tưới tiêu Ai Cập ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về động thái "đơn phương" nói trên của Ethiopia, cho rằng động thái này "phủ bóng lên các cuộc đàm phán và làm gia tăng nghi ngại về tính khả thi của tiến trình đàm phán cũng như việc đạt được một thỏa thuận công bằng".
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến do AU tổ chức ngày 21/7, các nhà lãnh đạo Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán kỹ thuật về GERD. Ai Cập cũng đã đồng thuận với Ethiopia và Sudan về việc ưu tiên đạt được thỏa thuận mang tính ràng buộc về vấn đề tích nước và vận hành GERD. Ngày 22/7, phía Ethiopia tuyên bố vào trung tuần tháng 7 này - vốn là thời điểm mùa mưa - nước này đã thực hiện việc tích nước năm đầu tiên của GERD và quá trình xây dựng GERD đã vượt tiến độ.
Ai Cập và Sudan - hai nước ở hạ nguồn sông Nile - lo ngại lượng nước của con sông này sẽ sụt giảm mạnh một khi Ethiopia vận hành GERD. Bất đồng về việc vận hành GERD là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Ai Cập và Ethiopia. Cairo lo ngại GERD sẽ làm giảm lượng nước sông Nile, vốn ngày càng trở nên khan hiếm trong bối cảnh Ai Cập có tới hơn 90% dân số đang phải sống phụ thuộc vào nguồn nước này.