Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh các nhân viên y tế đang chật vật để chăm sóc những người mắc bệnh và bị thương sau 11 ngày giao tranh ác liệt giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Theo hãng tin Reuters của Anh, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO Fadela Chaib cho biết kể từ khi xung đột xảy ra đầu tháng 5 này, khoảng 600 bệnh nhân, trong đó có một số người mắc các bệnh mãn tính, cần được chuyển ra khỏi Gaza để điều trị nhưng không thể do các cửa khẩu bị đóng. Theo bà Chaib, đội ngũ y tế của WHO hiện có mặt tại Gaza, nhưng chưa thể tiếp cận được các bệnh nhân.
WHO cảnh báo các trung tâm y tế tại Dải Gaza có nguy cơ bị quá tải khi những cơ sở này đã bị hư hại nghiêm trọng sau 11 ngày xung đột. Các cơ quan viện trợ khác cũng phản ánh những khó khăn trong công tác hỗ trợ nhân đạo và cung cấp dược phẩm cho vùng lãnh thổ này.
Đầu tuần này, bà Helen Ottens-Patterson - người đứng đầu phái đoàn của tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) tại Gaza - cho biết năng lực ứng phó của hệ thống y tế tại vùng lãnh thổ này hoàn toàn sụp đổ. Theo bà, một đội MSF đã rất vất vả để có thể vượt qua được đống đổ nát và tiếp cận một cơ sở y tế. Ngoài ra, các nhân viên y tế cũng lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 gia tăng tại đây.
Xung đột giữa Israel và Palestine leo thang từ ngày 10/5 vừa qua, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Sau 11 ngày, Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực từ 2h00 ngày 21/5. Ai Cập và Qatar đã đi đầu các nỗ lực của khu vực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn này. Hiện các nhà trung gian hòa giải đang nỗ lực thuyết phục các bên xung đột hòa đàm nhằm kéo dài thỏa thuận ngừng bắn.