Cụ thể, báo cáo về đồng NDT tại thị trường nước ngoài do BOC công bố với số liệu trích dẫn từ Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) cho thấy trong tháng 6/2018 đồng tiền này vẫn đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các đồng tiền được sử dụng cho các khoản thanh toán trên toàn thế giới, với tỷ lệ là 1,81%. Hiện tại Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường nước ngoài chủ chốt cho hoạt động thanh toán bằng đồng NDT và chiếm 75,98% khối lượng giao dịch của đồng tiền này.
Báo cáo của BOC cũng cho biết tổng doanh thu thông qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng theo thời gian thực (RTGS) đạt 21.460 tỷ NDT (khoảng 3.110 tỷ USD), tăng 10% so với tháng trước đó và tăng ,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, BOC cho biết việc mở cửa thị trường vốn trong nước của Trung Quốc tiếp tục ở nhịp độ ổn định.
Bên cạnh đó, số liệu của Cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc cho thấy tính đến ngày 31/7 vừa qua, hạn ngạch trong chương trình “Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện giao dịch bằng NDT” (RQFII) đã đạt 622,1 tỷ NDT. Cho đến nay, đã có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đạt được hạn ngạch RQFII, với tổng giá trị vào khoảng 1.940 tỷ NDT.
Trong một diễn biến liên quan, sau 19 ngày tạm ngừng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) đã nối lại hoạt động repo đảo ngược vào ngày 16/8 để bù đắp tác động của việc thanh toán thuế, phát hành trái phiếu chính phủ và giữ thanh khoản ở mức hợp lý. Repo đảo ngược là một quá trình mà ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán lại trong tương lai.
Công ty cung cấp dịch vụ thông tin Wind cũng đưa ra báo cáo rằng lượng repo đảo ngược có tổng giá trị 130 tỷ NDT (khoảng 18,9 tỷ USD) sẽ đáo hạn vào tuần tới.
Theo công ty chuyên môi giới chứng khoán Huachuang Securites, việc PBoC khởi động lại hoạt động thị trường mở cho thấy chính sách tiền tệ của Trung Quốc không nhiều khả năng sẽ tiếp tục được nới lỏng hơn trong tương lai. Trước đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ duy trì việc kiểm soát nguồn cung tiền tệ và giữ thanh khoản ở mức hợp lý để cân bằng giữa việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa rủi ro.