Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn bài viết đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/11 cho biết ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và cũng thu hút dòng vốn đang tăng vọt từ Trung Quốc.
Theo phái đoàn Trung Quốc tại ASEAN, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN trong 3 quý đầu năm đạt 10,72 tỷ USD, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư từ ASEAN vào Trung Quốc tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu là Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Theo bài viết, ASEAN và Trung Quốc từ lâu đã tăng cường quan hệ kinh tế, và đầu tư cao hơn từ Trung Quốc vào ASEAN phù hợp với việc thúc đẩy thương mại song phương. Thương mại phát triển đã kéo theo nhu cầu đối với các hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh nội địa hóa, do đó đã thúc đẩy các dòng vốn. Hai bên có những bổ sung lớn về kinh tế và đã tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) trong 10 năm. Là một trong những khu thương mại tự do năng động nhất trên thế giới, ACFTA có nhiều triển vọng hứa hẹn hơn nữa. Theo Tân Hoa xã, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 292,8 tỷ USD năm 2010 lên 641,5 tỷ USD vào năm 2019.
Với việc các chuỗi công nghiệp đang bị đổ vỡ do đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ có sự hội nhập nhiều hơn giữa các ngành công nghiệp Trung Quốc và các thị trường đang phát triển ở ASEAN. Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN có thể không duy trì được sự tăng trưởng nhanh hàng năm ở mức 76%, nhưng có thể thấy trước sự tăng trưởng bền vững, do Trung Quốc đã thể hiện cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và hai bên đã nỗ lực để tăng cường quan hệ hơn nữa, bao gồm cả việc thúc đẩy hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Bài viết nhận định theo nguyên tắc thị trường, ASEAN và Trung Quốc đang tìm kiếm sự phát triển hiệu quả hơn. Ví dụ, ngành nông nghiệp và hợp tác về năng lực công nghiệp là những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác. Khi thị trường ASEAN và Trung Quốc đạt mức độ hội nhập cao hơn, điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập kinh tế khu vực giữa Đông Á và Đông Nam Á.