Học giả Mỹ đánh giá về quan hệ Mỹ-Việt

Mối quan hệ Việt Nam-Mỹ đang phát triển mạnh mẽ. Quan hệ này nằm trong chiến lược hướng tới châu Á của Mỹ trong thế kỷ 21 vừa được khẳng định thêm một lần nữa qua Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Nhà báo Tom Plate, đồng thời là học giả cao cấp chuyên nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương của trường Đại học Loyola Marymount có bài viết về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong hoàn cảnh mới, được đăng trên mạng tin trực tuyến "Khaleej Times" ngày 16/11.

Nhà báo Tom Plate. Ảnh: Internet

Lord Palmerston, người hai lần giữ cương vị Thủ tướng Anh (1855-1858, 1859-1865), từng nói: "Chúng ta không có những đồng minh vĩnh cửu, và cũng chẳng có những kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có mối quan tâm là vĩnh viễn, và đó là nhiệm vụ chúng ta phải theo đuổi". Triết lý của Palmerston được chứng minh trong các mối quan hệ ngoại giao lâu đời của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Mỹ cũng mơ mộng về chủ nghĩa lý tưởng, nhưng rồi có lúc phải chạm đất bởi những đổi thay trên thực tế. Một ví dụ hùng hồn đó là tốc độ phát triển kinh ngạc trong mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam.

Cũng giống như phần lớn các nước châu Á khác, Việt Nam đang phát triển. Mặc dù thu nhập đầu người ở Việt Nam còn thấp hơn cả những nước như Philíppin nhưng đang được nâng lên từng ngày. Chỉ tính riêng dân số, Việt Nam lớn gấp ba lần Pêru, lớn hơn một phần tư so với Pháp, hơn gấp đôi Canađa và gần gấp bốn lần so với Ôxtrâylia. Công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam đã và đang giải phóng mạnh mẽ sức lao động. Thành phố Hồ Chí Minh giống như thủ đô Xơun của Hàn Quốc những năm 90 của thế kỷ trước. Vậy mà phải tới sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton năm 2000, nước Mỹ mới nắm bắt được cơ hội đó.

Cái tên Việt Nam trải qua hàng thập kỷ là nỗi ám ảnh với người Mỹ. Thất bại trong cuộc chiến tranh, hơn 58.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, thực sự là người Mỹ từng rất sợ khi nhắc tới Việt Nam. Nhưng người Mỹ có một truyền thống là dễ quên, và trong trường hợp này, trong mối quan hệ với Việt Nam, đó một điều tốt thực sự.

Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa mới kết thúc ở Honolulu (Hawaii), Việt Nam đã khẳng định một cách rõ ràng quan điểm hợp tác với Mỹ. Những động thái của Việt Nam trong thời gian qua được hiểu như Việt Nam nhìn nhận sự hợp tác với Mỹ là điều không thể thiếu. Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, trong khi Mỹ lại đang là con nợ khổng lồ của Trung Quốc. Xây dựng quan hệ tốt với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần phải có một đường hướng riêng ở châu Á, chỉ cần mối quan hệ của Mỹ không chọc giận nước khác.

Chính sách mới của Mỹ, hướng nhiều hơn vào châu Á đã và đang thu hút được nhiều sự chú ý. Những nỗ lực của Tổng thống Barack Obama ngay tại APEC nhằm dỡ bỏ rào cản thương mại là sự khởi động tuyệt vời cho chính sách ấy. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Mỹ, ngày càng có thêm nhiều nước muốn gia nhập sẽ chiếm 40% nền kinh tế thế giới. Cuộc thăm dò mang tên Các xu hướng vượt Đại Tây Dương năm 2011 cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, đa số người Mỹ tin rằng châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng hơn châu Âu.

Tuấn Đạt (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN