Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trường Y của Đại học Maryland (UMSOM) tiến hành, công bố trên tạp chí chuyên ngành Neurology.
Nhóm nghiên cứu đã chụp cộng hưởng từ (MRI) chức năng đối với 29 bệnh nhân mắc COVID-19 trung bình 7 tháng trước. 9 người trong số này phải nhập viện để điều trị. Mỗi bệnh nhân đều có biểu hiện ít nhất 1 triệu chứng liên quan đến thần kinh như mất trí nhớ, trầm cảm hoặc lo lắng. Nhóm nghiên cứu kết hợp so sánh với một nhóm đối chứng gồm 21 người chưa từng mắc COVID-19.
Kết quả cho thấy nhóm những người mắc hội chứng COVID kéo dài có điểm kém hơn khi làm bài kiểm tra về sự khéo léo và sức bền vận động so với nhóm người không mắc COVID-19. Nhóm 29 người cũng cho biết có nhiều cảm xúc tiêu cực hơn như cáu gắt, tức giận, căng thẳng hơn. Nhóm người này cũng ít hài lòng với cuộc sống hơn, trong khi điểm đánh giá về mức độ trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng, đau đớn cao hơn nhóm đối chứng.
Nghiên cứu cho thấy những người mắc hội chứng COVID kéo dài gặp tình trạng sương mù não - một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra một số các triệu chứng như mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn - cùng các vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng tâm thần khác trong nhiều tháng sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 có hoạt động bất thường ở não bộ trên hình ảnh MRI chức năng. Các nhà nghiên cứu cho biết hội chứng COVID kéo dài cùng với các triệu chứng thần kinh có liên quan đến việc một số vùng não có nhiệm vụ ghi nhớ ít hoạt động hơn trong khi các vùng não khác lại hoạt động mạnh hơn.
Theo Giáo sư chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân tại UMSOM Linda Chang, trưởng nhóm nghiên cứu, mặc dù nghiên cứu chưa chứng minh được hội chứng COVID kéo dài là nguyên nhân gây ra những thay đổi ở não, song dường như hội chứng COVID kéo dài có mối liên quan chặt chẽ đối với những thay đổi này, cùng các triệu chứng tâm thần kéo dài.