Cảnh ngập lụt do mưa lớn trong bão Harvey ở Houston, bang Texas ngày 27/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, ít người cho rằng thảm họa trên có thể thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi các chính sách liên quan tới biến đổi khí hậu như tăng thêm ngân sách cho công tác ứng phó thảm họa, hay khôi phục các quy định về hạn chế lượng khí phát thải, bảo vệ cơ sở hạ tầng trước những hiện tượng thời tiết cực đoan, hay cân nhắc lại việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tính tới trưa 30/8 (giờ Việt Nam), bão Harvey đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 9 người và khiến khoảng 30.000 người phải sơ tán khẩn cấp do lũ lụt trên diện rộng tại bang Texas.
Cuối tuần qua, bão Harvey đã trút lượng mưa lên tới gần 2.000 mm xuống các khu vực bờ biển ở bang Texas và thành phố Houston, tương đương với 34.000 tỷ lít nước. Cảnh sát và các nhân viên cứu hộ đang giúp đỡ những người còn mắc kẹt tại Houston, thành phố đông dân thứ 4 của nước Mỹ, trong khi bang Louisiana phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Giám đốc về chính sách biến đổi khí hậu và năng lượng tại Oxfam America Heather Coleman nhấn mạnh bão Harvey đã chứng minh tác động của biến đổi khí hậu cho những người còn hoài nghi về vấn đề này. Cũng giống như bất kỳ thảm họa tự nhiên nào trên thế giới, những người nghèo nhất chính là nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu ảnh hưởng khí hậu Potsdam và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng lượng mưa lớn của bão Harvey thậm chí có thể còn nhiều hơn nữa do biến đổi khí hậu. Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai Robert Glasser nhận định bão Harvey cho thấy một quốc gia dù có mức thu nhập cao, nhưng nếu có các công trình ven biển, đều có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của các cơn bão nhiệt đới. Điều này chứng tỏ biến đổi khí hậu đang tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với con người.
Với thiệt hại kinh tế do thiên tai trong năm ngoái lên tới hơn 175 tỷ USD, nhà cung cấp bảo hiểm Swiss Re cho rằng cần phải đầu tư vào các biện pháp để có thể bảo vệ tốt hơn nhóm người thuộc diện nguy cơ cao nhất vì cường độ và tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng tăng.
Theo Giám đốc Quản lý giảm thiểu nguy cơ thảm họa và biến đổi khí hậu thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Jo Scheuer, các biện pháp then chốt gồm gia cố và xây mới kiên cố hệ thống cơ sở hạ tầng và nhà cửa, làm tốt công tác dự báo xu hướng biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ, tính toán chính xác mực nước biển dâng và các đợt bão. Trong một số trường hợp, các chính phủ có thể phải quyết định di dời người dân và cơ sở hạ tầng khỏi các khu vực dễ xảy ra thảm họa.
Mặc dù bão Harvey đã gây ra những thiệt hại không nhỏ, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi rằng Tổng thống Trump sẽ thừa nhận mối liên hệ khoa học giữa vấn đề biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên, hay tăng thêm ngân sách và siết chặt quy định nhằm hạn chế tổn thất do bão lũ trong tương lai.
Trước đó, ngoài việc rút khỏi Hiệp định Paris, Tổng thống Trump còn cảnh báo sẽ cắt giảm hàng tỷ USD ngân sách cho Cơ quan Tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) - cơ quan đang điều phối công tác ứng phó thảm họa tại bang Texas. Những vị trí quan trọng tại các cơ quan theo dõi thời tiết Mỹ hiện vẫn đang bỏ trống, trong khi nhiều quy định về môi trường dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bị bãi bỏ. Đầu tháng này, Tổng thống Trump đã rút lại một số quy định liên quan tới đánh giá môi trường, xóa bỏ nhiều hạn chế trong các dự án xây dựng do chính phủ đầu tư...