Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock và Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Gier Pederson đã báo cáo HĐBA về tình hình gần đây, trong đó đáng chú ý có tác động của đại dịch COVID-19 với các dấu hiệu lây lan ở Syria. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ, hai báo cáo viên đã kêu gọi các bên đạt một thoả thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria nhằm tạo điều kiện để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, các thành viên HĐBA ghi nhận những tiến triển tích cực mới đây của tiến trình chính trị tại Syria, kêu gọi các bên nỗ lực tìm giải pháp hoà bình và tái khẳng định giải pháp chính trị trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA là lựa chọn duy nhất. Các thành viên HĐBA chia sẻ quan ngại về tình hình nhân đạo và khả năng tác động của đại dịch COVID-19 tới người dân Syria, kêu gọi các bên liên quan duy trì một giai đoạn ổn định trên cả nước để tập trung đối phó với dịch cũng như bảo đảm việc vận chuyển hàng hoá nhân đạo, trong đó có vật tư y tế. Sau cuộc họp, HĐBA đã nhất trí thông tin cho báo chí với các nội dung nói trên.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, hoan nghênh tiến triển nhất định về tình hình an ninh tại Tây Bắc Syria trong thời gian gần đây, kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại và tìm giải pháp chính trị lâu dài cho tình hình Syria. Đại sứ bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở nhiều nơi tại Syria, về khả năng chống đỡ của Syria đối với đại dịch COVID-19, quan tâm về các phương án của LHQ tiếp tục hỗ trợ tiến trình chính trị trong bối cảnh này. Đại sứ hoan nghênh sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác nhân đạo khác cho Syria trong phòng chống đại dịch COVID-19 và kêu gọi các bên bảo đảm việc vận chuyển thông suốt hàng hoá nhân đạo cho các vùng miền của Syria.
Định kỳ hàng tháng, HĐBA tổ chức 3 cuộc họp về tình hình Syria với các vấn đề chính trị, nhân đạo và vũ khí hoá học. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới thành phố New York, nơi đặt Trụ sở của LHQ, HĐBA đang áp dụng các biện pháp hữu hiệu để vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động, trong đó có hình thức họp trực tuyến, họp gộp nhiều cuộc.