Nghị quyết nói trên nhận được sự đồng thuận của cả 15 nước ủy viên của HĐBA LHQ, nhấn mạnh rằng lệnh cấm được thông báo hồi đầu tháng 4 “gây phương hại tới nhân quyền và các nguyên tắc nhân đạo”. HĐBA yêu cầu Taliban “nhanh chóng đảo ngược những chính sách và hành động hạn chế nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái".
HĐBA LHQ cũng hối thúc “tất cả các quốc gia và tổ chức sử dụng ảnh hưởng để thúc đẩy và nhanh chóng đảo ngược những chính sách này” và nhấn mạnh “tình hình kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng" cũng như "tầm quan trọng của việc phái bộ LHQ tiếp tục hiện hiện" tại Afghanistan. LHQ hiện có khoảng 3.900 nhân viên làm việc tại nước này, trong đó khoảng 400 phụ nữ là người Afghanistan và 200 nhân viên nữ từ các quốc gia khác.
Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước hồi 8/2021, Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tháng 12 năm ngoái, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Phụ nữ Afghanistan cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường. Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên hay vườn hoa và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng.
Cộng đồng quốc tế lên án những hạn chế của Taliban đối với giáo dục - đào tạo và việc làm của nữ giới ở Afghanistan. LHQ gọi đây là "chế độ phân biệt Apartheid dựa trên giới tính". Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận của chính quyền Taliban. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài nhấn mạnh Taliban cần thay đổi chính sách với nữ giới để có cơ hội được công nhận chính thức và giảm bớt sự cô lập kinh tế.
Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số) cần được hỗ trợ để tồn tại. Theo LHQ, gần 1/4 số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới.