Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/1 tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ), ông Reviere nhận định tình hình tại Biển Đỏ đang “rất xấu” và “liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm và hành động quân sự trong khu vực này” ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của tàu bè.
Cùng ngày, 2 hãng vận tải khổng lồ là Maersk của Đan Mạch và Hapag-Lloyd của Đức cho biết các tàu container của họ sẽ tiếp tục tránh tuyến Biển Đỏ dẫn vào Kênh đào Suez sau cuộc tấn công cuối tuần qua vào một trong các tàu của Maersk. Hai hãng này đã định tuyến lại một số chuyến đi qua Mũi Hảo Vọng, phía Nam châu Phi. Sự gián đoạn và chuyển hướng này có nguy cơ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, và dấy lên lo ngại nó có thể gây ra một đợt lạm phát mới trên toàn cầu.
Hôm 31/12/2023, các tay súng của lực lượng Houthi ở Yemen đã tấn công tàu Maersk Hàng Châu, khiến hãng tạm dừng tất cả các chuyến đi trên Biển Đỏ trong 48 giờ. Trực thăng quân sự Mỹ đã đẩy lùi cuộc tấn công và khiến 10 tay súng tấn công bị thiệt mạng. Maersk cho biết: “Một cuộc điều tra đang được tiến hành và chúng tôi sẽ tiếp tục tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển hàng hóa qua khu vực trong khi đánh giá thêm về tình hình đang diễn biến phức tạp”.
Về phần mình, hãng Hapag-Lloyd cho biết các tàu của họ sẽ tiếp tục chuyển hướng khỏi Biển Đỏ - thay vào đó đi qua mũi Hảo Vọng - cho đến ít nhất là ngày 9/1/2024, khi có quyết định tiếp tục định tuyến lại các tàu của mình hay không.
Khoảng 1/3 lượng hàng hóa tàu container toàn cầu sử dụng kênh đào Suez. Việc chuyển hướng tàu quanh mũi Hảo Vọng dự kiến sẽ tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu.Lực lượng Houthi, đang kiểm soát phần lớn Yemen, bao gồm cả thủ đô Sanaa, đã tăng cường tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ nhằm phản đối xung đột Hamas - Israel ở Gaza. Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công.