Ngoài các thành viên HĐBA, cuộc họp có sự tham gia của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Tổng Thư ký (TTK LHQ) António Guterres, Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Israel tại LHQ và Tổng Thư ký Liên đoàn Arab.
Tại cuộc họp, TTK LHQ và Điều phối viên đặc biệt về tiến trình hòa bình Trung Đông bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Trung Đông. TTK Guterres cho rằng trong bối cảnh đó, một giải pháp chính trị cho vấn đề Israel - Palestine là điều cần thiết và có ý nghĩa then chốt cho hòa bình lâu dài ở Trung Đông. Quan điểm đến nay của LHQ đã được xác định bằng các nghị quyết mà HĐBA và Đại Hội đồng LHQ đã thông qua trong nhiều năm qua. LHQ cam kết tiếp tục hỗ trợ Palestine và Israel giải quyết xung đột trên cơ sở các nghị quyết nêu trên của LHQ, luật pháp quốc tế, các thỏa thuận song phương.
TTK LHQ kêu gọi Israel và Palestine thúc đẩy các biện pháp nhằm xây dựng hòa bình bền vững và lâu dài. Điều phối viên đặc biệt của LHQ cũng nhấn mạnh phát biểu này của TTK LHQ rằng việc thực hiện mục tiêu về một nền hòa bình lâu dài và công bằng chỉ có thể trở thành hiện thực với việc thực hiện giải pháp “hai nhà nước”, theo đó Israel và Palestine chung sống hòa bình với biên giới được công nhận, trên cơ sở các đường phân tách trước năm 1967, với Jerusalem là thủ đô của cả hai nhà nước.
Điều phối viên đặc biệt của LHQ cũng cảnh báo trước các phát biểu của một số quan chức Israel về việc sẽ tiến hành đơn phương sáp nhập một phần lớn các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan; khẳng định TTK LHQ đã nhiều lần phát biểu phản đối các hành động và kế hoạch sáp nhập này. Những hành động như vậy sẽ có tác động tiêu cực, phá hỏng tương lai của việc thực hiện giải pháp hai nhà nước, đóng lại cánh cửa đối thoại, cũng như tác động xấu đến toàn bộ khu vực.
Ông khẳng định không có con đường nào khác cho hòa bình bằng việc thông qua đối thoại, không có khuôn khổ giải quyết xung đột nào khác ngoài khuôn khổ được cả Israel và Palestine chấp nhận, dựa trên các nghị quyết liên quan của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương. Tình hình bế tắc hiện nay không thể kéo dài, vì sẽ càng làm cho Israel và Palestine xa rời nhau, làm trầm trọng hơn tình trạng chiếm đóng và đóng lại cánh cửa đối thoại và đàm phán.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Palestine bác bỏ bản “Tầm nhìn” vì sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực, rằng đây là bước đi đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền dân tộc tự quyết của người dân Palestine; kêu gọi HĐBA và Nhóm Bộ tứ, gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ, tiến hành một hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông; thúc đẩy thực hiện các nghị quyết HĐBA và Sáng kiến Hòa bình Arab.
Các nước thành viên HĐBA tái khẳng định lập trường về cuộc xung đột Israel-Palestine. Nhiều nước cho biết quan điểm về vấn đề này đến nay không có sự thay đổi; bày tỏ quan ngại về khả năng sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, cũng như về việc tiếp tục thúc đẩy xây dựng các khu định cư, cho rằng các hành động này trái với luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của người dân Palestine cũng như đối với giải pháp “hai nhà nước” với Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại trong hoà bình với Nhà nước Isreal theo đường biên giới như đã được nêu trong các nghị quyết liên quan của LHQ. Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động có thể làm căng thẳng tình hình, thúc đẩy đối thoại và đàm phán thiện chí nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine.