STC đưa ra 7 lý do để rút khỏi các cuộc đàm phán, bao gồm sự sụp đổ của các dịch vụ công tại miền Nam cũng như việc leo thang quân sự do các lực lượng chính phủ tại tỉnh Abyan.
Saudi Arabia đã nỗ lực để thực thi thỏa thuận trên, vốn được đề xuất lần đầu vào tháng 11/2019, nhằm chấm dứt xung đột giữa lực lượng ly khai miền Nam và Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn ở khu vực phía Nam nước này.
Năm ngoái, Saudi Arabia đã thuyết phục STC và Chính phủ Yemen tổ chức đàm phán hòa giải, dẫn tới việc ký kết thỏa thuận thành lập một nội các kỹ trị mới có không quá 24 bộ trưởng. Tuy nhiên, một số cản trở đã ngăn cản việc triển khai thực hiện thỏa thuận như thành lập chính phủ mới và đạt được ổn định lâu dài tại phía Nam Yemen. Thỏa thuận trên cũng bao gồm việc đưa Chính phủ Yemen lưu vong trở lại Aden và thống nhất tất cả các đơn vị vũ trang dưới quyền của Bộ Nội vụ và Quốc phòng.
Thỏa thuận do Saudi Arabia làm trung gian loại trừ lực lượng phiến quân Houthi vốn vẫn đang kiểm soát thủ đô Sanaa và một số tỉnh phía Bắc khác của Yemen.
Yemen đã sa lầy trong cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014, khi phiến quân Houthi giành quyền kiểm soát phần lớn miền Bắc đất nước, buộc chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi, do Saudi Arabia hậu thuẫn, phải rời bỏ thủ đô Sanaa. Tháng 3/2015, Saudi Arabia đã dẫn đầu một liên minh quân sự can thiệp vào xung đột tại Yemen để giúp đỡ chính phủ của Tổng thống Hadi.
Xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là thường dân, buộc hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đẩy hơn 20 triệu người đến bờ vực của nạn đói và gây ra thảm hoạ nhân đạo tồi tệ nhất trong những năm gần đây.