Trước đó, hai bên đã dự kiến đàm phán vào ngày 13/7 song đã nhất trí hoãn đến ngày 14/7.
Theo SUNA, cuộc đàm phán không thể diễn ra vì phái đoàn của Liên minh Tự do và Thay đổi đã không có mặt. TMC cũng như Liên minh châu Phi (AU) chưa đưa ra tuyên bố nào về việc hoãn đàm phán này.
Ông Khalid Omer Yousif, một trong những người lãnh đạo của Liên minh Tự do và Thay đổi cho biết liên minh này đã đề nghị AU, một trong hai trung gian hòa giải, hoãn cuộc đàm phán đến ngày 16/7 để có thêm thời gian tham vấn, thảo luận.
Trước đó, TMC và liên minh đối lập trên dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán vào ngày 13/7 tại khách sạn Corithia ở thủ đô Khartoum nhằm phê chuẩn dự thảo hiến pháp được coi là cơ sở để xác định quyền hạn của các cơ quan chuyển tiếp. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã được các bên nhất trí dời sang ngày 14/7.
TMC nắm quyền lãnh đạo tại Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11/4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền. Sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình gần đây yêu cầu TMC chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, Ethiopia và AU đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa TMC và Liên minh Tự do và Thay đổi - một liên minh gồm các nhóm đối lập và biểu tình.
Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở Khartoum hôm 3/6. Hai bên đã nối lại đàm phán vào đầu tháng này.
Ngày 5/7 vừa qua, sau 2 ngày đàm phán tại thủ đô Khartoum, hai bên đã đạt thỏa thuận về chia sẻ quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp, theo đó, nhất trí "thành lập một hội đồng lãnh đạo luân phiên giữa quân đội và phía dân sự trong giai đoạn 3 năm hoặc lâu hơn". Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thành lập một chính phủ kỹ trị độc lập và tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, độc lập về các vụ bạo lực trong những tuần gần đây.