Tiếp đó sẽ là các lễ công bố giải Nobel Vật lý vào ngày 8/10, Nobel Hóa học ngày 9/10, Nobel Văn học ngày 10/10, Nobel Hòa bình ngày 11/10 và Nobel Kinh tế vào ngày 14/10.
Sự kiện được ngóng đợi nhất mùa Nobel năm nay có lẽ là sự trở lại của giải Nobel Văn học, sau khi hạng mục này vắng bóng trong năm 2018, với những bê bối quấy rối tình dục làm rúng động Viện Hàn lâm Thụy Điển - tổ chức lựa chọn người đoạt giải thưởng này. Jean-Claude Arnault - chồng của một thành viên trong Viện Hàn lâm - đã nhận tội và sau đó đã bị kết án về tội hiếp dâm và vào tù tháng 10/2018.
Sự việc này làm lộ ra những xung đột sâu sắc giữa 18 thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, khiến lần đầu tiên sau 70 năm, giải Nobel Văn học không được tổ chức bầu chọn. Để bù lại sự thiếu hụt này, trong năm nay sẽ có hai giải Nobel Văn học được trao: một giải tính cho năm 2018 và một giải cho năm 2019. Những cái tên được trông đợi cho giải Nobel Văn học 2019 bao gồm các nhà văn Haruki Murakami của Nhật Bản, Olga Tokarczuk (Ba Lan), Ngugi Wa Thiong'o (Kenya), Ismail Kadare (Albania) và Joyce Carol Oates (Mỹ).
Trong khi đó, nhà hoạt động vì khí hậu 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg được nhận định là ứng cử viên sáng giá nhất của giải Nobel Hòa bình năm nay trong số 301 đề cử - theo số liệu do Ủy ban Nobel Na Uy công bố. Nếu được xướng tên tại lễ công bố giải tổ chức ở Oslo ngày 11/10, Thunberg sẽ trở thành người trẻ tuổi nhất từng giành giải Nobel Hòa bình. Cho đến nay, Malala Yousafzai đang là chủ nhân trẻ nhất của giải Nobel Hòa bình. Cô được vinh danh năm 2014, khi mới 17 tuổi. Ngoài ra, trong những cái tên được bàn luận đến tại hạng mục này còn có Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed - người đã ký kết "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị" với Eritrea, theo đó mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau 20 năm thù địch.
Đối với Giải Nobel Y học, Viện Karolinska - nơi bầu chọn chủ nhân giải thưởng này - cho biết viện đã nhận được 633 đề cử. Theo đài phát thanh SR của Thụy Điển, vinh dự này có thể thuộc về nhà di truyền học người Mỹ gốc Lebanon Huda Zoghbi, với phát hiện rằng đột biến gien có thể dẫn đến Hội chứng Rett gây rối loạn não. Trong khi đó, nhật báo Dagens Nyheter lớn nhất ở Thụy Điển lại cho rằng các nhà nghiên cứu về hệ miễn dịch Marc Feldmann (người Australia) và nhà nghiên cứu người Anh gốc Ấn Độ Ravinder Maini xứng đáng đoạt giải với công trình nghiên cứu về bệnh viêm khớp dạng thấp. Bà Mary-Claire King - nhà khoa học người Mỹ với công trình nghiên cứu phát hiện ra gien BRCA1 là tác nhân gây ra một dạng ung thư vú di truyền - cũng được xem là một ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng này.
Nhật báo Dagens Nyheter cũng dự đoán rằng giải Nobel Vật lý có thể sẽ thuộc về nghiên cứu vật lý lượng tử của các nhà khoa học John Clauser (người Mỹ), Alain Aspect (người Pháp) và Anton Zeilinger (người Áo).
Nhà khoa học 97 tuổi, người Mỹ John Goodenough - được đề cử Nobel Hóa học với phát minh về pin lithium - đang kỳ vọng trở thành người cao tuổi nhất từng đoạt giải Nobel. Mặc dù vậy, hai nhà khoa học nữ là Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer Doudna (Mỹ) cũng được xem là những ứng cử viên sáng giá cho nghiên cứu về kỹ thuật chỉnh sửa gien, được gọi là công cụ cắt DNA CRISPR-Cas9, một loại "kéo" di truyền được sử dụng để cắt bỏ một gien đột biến trong phôi của người và thay thế gien ấy bằng một phiên bản đã hiệu chỉnh.
Không giống như các giải Nobel khác được trao từ năm 1901, Nobel Kinh tế là giải thưởng duy nhất không do nhà phát minh - nhà từ thiện Alfred Nobel sáng lập và đề cập trong bản di chúc năm 1895 của ông.
Giải Nobel Kinh tế - tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển về Kinh tế học Tưởng nhớ Alfred Nobel, được lập ra năm 19, nhằm kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này, và lần đầu tiên được trao vào năm 1969.
Theo nhà bình luận kinh tế Micael Dahlen, có 3 ứng cử viên sáng giá cho giải năm nay - đều là phụ nữ, đó là nhà kinh tế người Mỹ Anne Krueger với những nghiên cứu về thương mại quốc tế; nhà kinh tế người Mỹ gốc Cuba Carmen Reinhart - nghiên cứu về nợ công và tăng trưởng, và nhà kinh tế người Pháp Esther Duflo - nghiên cứu về viện trợ phát triển.
Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 914.000 USD). Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có nhiều hơn một người được vinh danh.